Giáo viên trường THPT Như Xuân II nhọc nhằn “gieo chữ” nơi núi rừng xa thẳm

Bùi Oanh-Hồng Đức Thứ năm, ngày 15/12/2016 16:49 PM (GMT+7)
Thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở vật chất, cuộc sống gian khổ nơi núi rừng cũng không quật ngã được quyết tâm bám trường “gieo chữ” của những giáo viên trường THPT Như Xuân II (xã Bãi Trành, Như Xuân, Thanh Hóa). Bám trường, vận động học sinh đến lớp và giữ chân các em ở lại học chữ là cả một sự cố gắng không mệt mỏi của tập thể, cán bộ, giáo viên nơi đây.
Bình luận 0

Miệt mài gieo chữ

Những ngày đầu tháng 12.2016, chúng tôi vượt hơn 80km từ trung tâm thành phố lên huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa - nơi có điểm trường vùng cao khó khăn trường THPT Như Xuân II. Gặp những giáo viên cắm bản, dạy học giữa heo hút đại ngàn núi cao mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn ngày đêm bám trường, bám lớp, miệt mài bên trang giáo án và từng ngày gieo chữ thắp sáng những ước mơ của con trẻ.

 Là một xã miền núi của huyện Như Xuân (Thanh Hóa), nằm cách trung tâm huyện khoảng 30km, Bãi Trành có 4 dân tộc cùng chung sống là Thái, Thổ, Mường, Kinh. Cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập chính là dựa vào việc trồng trọt trên các quả đồi cao chót vót.

img

Thầy Lê Bá Long, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều cánh của của các phòng học đã hư hỏng, bàn ghế nhà trường đã xuống cấp rất cần được đầu tư mới.

Vượt qua điều kiện sống khó khăn, học sinh nơi đây luôn thể hiện niềm khát khao con chữ đến cháy bỏng. Vì sự nghiệp trồng người, vì tình yêu với nghề các thầy cô giáo trường THPT Như Xuân II bám lớp, bám trường miệt mài “gieo chữ trên non”. Hầu hết thầy giáo dạy ở trường đều là người dưới xuôi lên đây dạy chữ .

Nơi đây, cuộc sống rất khó khăn, nhất là về nguồn nước sinh hoạt của các thầy cô giáo. Để có nước sinh hoạt, các thầy cô giáo phải dùng bể hoặc thùng để hứng nước mưa, vào mùa khô, các thầy cô phải vào tận các thôn trong xã để xin nước về dùng. Cô Đào Thị Hà là người ở huyện Tĩnh Gia lên đây giảng dạy đã 5 năm, vì điều kiện ở xa nên nhà trường đã bố trí cho gia đình cô ở lại trong khu ký túc dành cho giáo viên của trường, cô chia sẽ: Mình đã gắn bó với trường 5 năm, điều mình thấy khó khăn nhất là cơ sở vật chất của nhà trường đang còn thiếu thốn, hầu hết các em học sinh ở đây đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình các em lại khó khăn nên việc đến trường cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, là điều kiện sống của những giáo ở xa như mình cũng rất khó khăn, nước sinh hoạt thì phụ thuộc vào nguồn nước mưa, nước uống thì bọn mình phải mua.

Tại trường Như Xuân II, cơ sở vật chất nhà trường đang còn thiếu thốn trăm bề, nhiều cánh cửa của các phòng học đã hư hỏng, trời mưa phả ướt cả phòng học. Bàn ghế nhà trường đã cũ kỹ, xuống cấp. Hiện tại, nhà trường có 18 phòng học trên tổng số 436 học sinh, nhà trường từ khi thành lập đến nay chưa có nhà Hiệu bộ, chưa có phòng thư viện, phòng học chức năng…                              

Theo thầy Lê Bá Long- Hiệu trưởng trường cho biết: Trường THPT Như Xuân II được thành lập đến nay đã 9 năm, điều kiện cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, chất lượng tuyển sinh đầu vào thì thấp. Đặc biệt, nhiều năm nay nhà trường phải dùng tạm các phòng học để họp hành, giao ban, là nơi làm việc của BGH, là nơi để đồ dùng dạy học... nên cũng vất vả cho các thầy cô giáo và ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học.

Vượt lên khó khăn

img

Điều các thầy, cô giáo thấy khó khăn nhất đó là thiếu nước sinh hoạt.

Vượt lên mọi vất vả, khó khăn, những người thầy, người cô nơi đây luôn hết lòng tận tụy đem con chữ gieo vào những mầm xanh nơi núi rừng. Trong sinh hoạt thường ngày với học sinh, họ cũng như những người cha, người mẹ thứ hai của các em. Đa phần các em học sinh nơi đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có nhiều em đã phải nghỉ học để ở nhà giúp gia đình làm nương rẫy.

Để khuyến khích tinh thần vượt khó đến trường học tập của các em, hàng năm, các thầy cô đều tặng quà, quần áo, sách vở, giày dép cho các em học sinh. Đồng thời, vận động sự giúp đỡ của bà con miền xuôi, những tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ các em đủ điều kiện đến trường học chữ. Với tinh thần vượt khó, hiếu học học sinh Như Xuân II đã đạt được những thành tích khá toàn diện. Trong những năm qua đã có 56 học sinh đạt giải thi học sinh giỏi các môn văn hóa, 48 học sinh đạt giải môn TD - GDQP, 29 học sinh đạt giải thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh, tỉ lệ đậu TN nhiều năm đạt 100%. Có nhiều CBGV được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen.

img

Chưa có thư viện, nhà trường phải mượn tạm một phòng học làm thư viện.

Trường THPT Như Xuân II hiện nay có 12 lớp với 436 học sinh và 25 cán bộ giáo viên trong biên chế. Đội ngũ cán bộ giáo viên trường Như Xuân II bình quân tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, trong đó có gần một nửa là người địa phương, còn đa số là người miền xuôi. Trường có 2 cán bộ quản lý, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, 3 cán bộ giáo viên có trình độ trung cấp chính trị, 5 cán bộ giáo viên đã được đào tạo quản lý nhà nước. Đây là một lợi thế lớn, là nguồn lực quyết định thành tích, chất lượng dạy học.

Tập thể nhà trường đang sống và làm việc trong khí thế sôi nổi, quyết tâm gặt hái những thành công mới để xứng đáng với niềm tin, kì vọng của nhiều thế hệ nhân dân, học sinh 3 xã và vùng lân cận. Hiện nay cơ sở vật chất của nhà trường đang rất khó khăn. Lãnh đạo, cán bộ giáo viên nhà trường đang mong mỏi được đầu tư xây dựng nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn, thư viện... để hoạt động dạy học, tổ chức bộ máy quy củ, chất lượng hơn.

Vượt lên trên mọi khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô nơi đây vẫn ngày ngày thầm lặng gieo con chữ cho các em học sinh chỉ với một hy vọng là rồi đây, ở những bản người dân tộc xa xôi và khó khăn sẽ không còn ai mù chữ. Rồi đây, nhờ con chữ, các em sẽ thắp sáng bản làng bằng những kiến thức được các thầy cô truyền dạy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem