Giáo viên ủng hộ không đuổi học, không "bêu tên" học sinh
Giáo viên ủng hộ không đuổi học, không "bêu tên" học sinh
Hà My
Thứ sáu, ngày 18/09/2020 16:09 PM (GMT+7)
Những quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh của Thông tư 08 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành từ năm 1988 sẽ được thay thế. Dự thảo mới sẽ bỏ hình thức kỷ luật đuổi học với học sinh.
Còn nhớ hồi cuối năm 2018, Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Thanh Hóa) đã ra quyết định đuổi học 1 năm với 3 học sinh, đuổi học 1 tuần với 4 học sinh và cảnh cáo toàn trường 1 học sinh. Nguyên do là vì các em này đã dùng mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của giáo viên và nhà trường, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường.
Ngay sau khi dư luận lên tiếng vì quyết định kỷ luật quá nặng, theo chỉ đạo của Sở GDĐT Thanh Hóa, nhà trường thu hồi tất cả các quyết định kỷ luật 8 học sinh, đặc biệt quyết định đuổi học 1 năm đối với 3 học sinh.
Mới đây, những quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh của Thông tư 08 ban hành từ năm 1988 sẽ được thay thế. Cụ thể, dự thảo mới chỉ còn 4 hình thức khen gồm: Tuyên dương trước lớp; Tuyên dương trước toàn trường; Tặng giấy khen; Các hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp với mục đích và nguyên tắc khen thưởng học sinh.
Dự thảo mới chỉ còn 3 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm. Hình thức đuổi học sẽ được từ bỏ. Nhiều giáo viên đã bày tỏ ý kiến đồng tình với dự thảo trên.
Cô giáo Bùi Thu Hương - giáo viên Trường TH T.S (TP.Thanh Hóa) cho biết cô ủng hộ thông tư này. "Mục tiêu của giáo dục trong trường học là hướng học sinh tới cái thiện bên cạnh việc giảng dạy các kiến thức văn hóa. Ở cả ba cấp học, học sinh dù sao vẫn chưa đủ tuổi để có thể làm chủ được hành vi của mình. Vì vậy việc quy định "tạm dừng học tập" thay thế cho việc đuổi học theo tôi là hợp lý.
Vì tạm dừng học tập tại trường có nghĩa là khi ở nhà, học sinh này vẫn dưới sự quản lý của nhà trường, vẫn phải hoàn thành bài tập, tự học tại nhà. Nhà trường vẫn theo dõi được quá trình phát triển của học sinh này".
Cô Hương cho biết với việc kỷ luật "bêu tên" trên lớp, hoặc trước toàn trường, bản thân cô đã không sử dụng nữa từ lâu, bởi hiện tại, cách này đã khá cũ và lạc hậu. "Việc kỷ luật theo hình thức "bêu tên" có thể làm các em xấu hổ, dẫn tới thu mình, hoặc có các hành vi phản kháng, từ đó dẫn tới phản tác dụng".
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM nêu quan điểm ủng hộ thông tư này, tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn nhất định.
Vai trò và trách nhiệm của giáo dục trong trường học là phải hướng thiện, hướng tới cái nhân văn và thấy hiểu được trong mỗi con người đều có tính thiện. Mọi hành động của giáo viên đều phải nhằm đánh thức điều này trong học sinh. "Đây chính là "nút thắt" đòi hỏi bản lĩnh và phương pháp sư phạm linh hoạt của giáo viên trong trường học. Chỉ có sự khéo léo, thấu hiểu và sử dụng đúng phương pháp, người thầy mới có thể thành công trong việc cởi bỏ nút thắt này", cô Thảo nói.
Bên cạnh đó, cô Huyền Thảo nêu thêm khía cạnh giáo dục gia đình. Dù nhà trường nhân văn trong việc giáo dục con em, nhưng gia đình đi ngược lại thì khó mà tác động và thay đổi. Thế nên đây cũng là vấn đề để không chỉ nhà trường mà cả gia đình và xã hội cần lưu tâm.
"Với thực trạng của giáo dục hiện nay, liệu có phù hợp khi vấn đề "bạo lực học đường" vẫn tồn tại một cách nhức nhối đối với xã hội. Nó thể hiện trên 3 mối quan hệ: Thầy- trò; nhà trường- gia đình; nhà trường và xã hội. Thế nên cần nghiên cứu kỹ các hình thức kỷ luật để vẫn đảm bảo được tính kỷ luật của nhà trường", cô Thảo băn khoăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.