Các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2016
Cụ thể, nếu xét cả 2 sàn HOSE và HNX, đứng đầu về đà tăng trưởng doanh thu năm 2016 là CTCP Xây dựng FLC Faros (mã ROS) với tỷ lệ tăng 236% so với năm 2015, đạt 3.260 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị giá cổ phiếu ROS tăng vọt mạnh mẽ và khối tài sản của “ông chủ” ROS - Luật sư Trịnh Văn Quyết vươn lên dẫn đầu trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản tính theo thị giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại khoảng hơn 45.875 tỷ đồng.
Kế đến, đà tăng trưởng của Tập đoàn Vingroup (mã VIC) cũng rất cao với tỷ lệ 72% so với năm 2015, chỉ xếp sau ROS (236%) và Công ty Cổ phần Thế giới Di động (mã MWG - tăng trưởng 77% so với năm 2015). Theo đó, nếu doanh thu năm 2015 của VIC chỉ đạt 34.048 tỷ đồng thì đến năm 2016 doanh thu của VIC tăng tới 58.542 tỷ đồng.
Điều bất ngờ hơn nữa, đà tăng trưởng của một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD) cũng xếp vị trí thứ 4 trong các doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất 2 sàn chứng khoán về đà tăng trưởng doanh thu. Cụ thể, nếu năm 2015 doanh nghiệp này đạt doanh thu 13.669 tỷ đồng thì đến năm 2016 doanh thu của CTD tăng tới 20.783 tỷ đồng, tăng 52%.
Riêng với Novaland (NVL), đà tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp này cũng đạt 10% so với năm 2015, từ 6.673 tỷ đồng (năm 2015), lên 7.359 tỷ đồng (năm 2016).
Như vậy, nhìn vào hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản mới thấy được đà tăng trưởng “khủng” so với các doanh nghiệp có vốn hóa “tỷ đô” trên 2 sàn chứng khoán.
Chẳng hạn, đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp lớn nhất 2 sàn hiện nay là Vinamilk (VNM), doanh thu năm 2016 đạt 46.694 tỷ đồng, tăng 17% so với 2015 (đạt 40.048 tỷ đồng). Tương tự, xếp thứ 2 trên sàn chứng khoán về vốn hóa là Công ty CP Bia Rượu NGK Sài Gòn – Sabeco (mã SAB) cũng chỉ tăng trưởng 13%, đạt 30.642 tỷ đồng so với con số 27.144 tỷ đồng của năm 2015.
Thậm chí, với doanh nghiệp dẫn đầu về doanh thu năm 2016 là Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã GAS) đạt 59.209 tỷ đồng, cao nhất 2 sàn chứng khoán năm 2016 nhưng nếu xét về đà tăng trưởng thì lại giảm 8% so với năm 2015, đạt 59.209 tỷ đồng (năm 2015 đạt 64.300 tỷ đồng).
Một vài doanh nghiệp “tỷ đô” khác cũng có đà tăng trưởng doanh thu cao trong năm 2016 so với năm trước như: Hòa Phát (HPG, tăng 21%); Vietjet Air (VJC, tăng 39%); FPT (tăng 4%); Masan (MSN, tăng 41%)... Tuy nhiên nếu so với các doanh nghiệp bất động sản kể trên thì tỷ lệ tăng trưởng này thua xa.
Nếu xét về lợi nhuận, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản năm 2016 cũng “vượt mặt” các đàn anh có vốn hóa lớn trên sàn.
Đáng chú ý, dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận năm 2016 lại là Tập đoàn Novaland (NVL). Nếu năm 2015 doanh nghiệp này chỉ đạt lợi nhuận 442 tỷ đồng thì sang năm 2016, lợi nhuận của NVL đạt tới 1.655 tỷ đồng (tăng 275%).
Xếp thứ 2 trong danh sách những doanh nghiệp có đà tăng trưởng lợi nhuận “khủng” là ROS – Từ mức 116 tỷ đồng (năm 2015) lên mức 420 tỷ đồng (năm 2016), tăng 261%.
Xếp thứ 3 là VIC với đà tăng trưởng lợi nhuận tăng 133%, từ 1.501 tỷ đồng (năm 2015) lên 3.505 tỷ đồng trong năm 2016.
Đứng thứ 4 là Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) - cũng là một doanh nghiệp bất động sản với đà tăng trưởng lợi nhuận đạt 94%, từ 733 tỷ đồng (năm 2015) lên 1.422 tỷ đồng trong năm 2016.
Trong khi đó, nhiều “đàn anh” có vốn hóa lớn trên 2 sàn có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận ở mức vừa phải. Chẳng hạn, VNM tăng 21%; SAB tăng 33%; VCB tăng 28%...
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp lại giảm mạnh về lợi nhuận năm 2016 so với năm 2015, trong đó giảm mạnh nhất là Sacombank (STB) với tỷ lệ -67%; kế đến là Bia Hà Nội (BHN) với tỷ lệ -21%; GAS với tỷ lệ -18%...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.