Giật mình: Nhiều giống cây trồng Việt Nam đã rơi vào tay nước khác

Khánh Nguyên (thực hiện)  Thứ ba, ngày 21/08/2018 09:12 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Giáo sư- Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, do công tác bảo hộ bản quyền giống cây trồng chưa được chú trọng đúng mức nên nhiều giống cây trồng của Việt Nam đã bị rơi vào tay nước khác.
Bình luận 0

Sau 10 năm Việt Nam tham gia UPOV, công tác bảo hộ bản quyền giống cây trồng của Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Nói chung, công tác bảo hộ giống cây trồng sau khi Việt Nam tham gia UPOV đã có chuyển biến, một số giống đã được đăng ký bản quyền nhưng so với yêu cầu đề ra thì còn kém xa. Đến nay, việc bảo hộ bản quyền chỉ mới được áp dụng ở một số cây trồng chính.

img

Theo ông Long, việc bảo hộ bản quyền giống lúa rất khó khăn. Ảnh: I.T

Nếu vấn đề bảo hộ ở nước ngoài được thực hiện tương đối đơn giản thì tại Việt Nam lại vô cùng phức tạp, nông dân thích gì trồng nấy, việc xâm phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến và dễ dàng. Ví dụ đối với một giống lúa thuần, có khi họ chỉ cần lấy 1- 2 hạt để giống và có thể tự sản xuất mà không bị ai quản lý.

Nói chung đối với những loại cây tự thụ phấn, việc bảo hộ giống tương đối khó khăn.

Đã có trường hợp nào chúng ta bị mất bản quyền giống vì không kịp đăng ký bảo hộ?

- Nói thật, nếu kể ra những trường hợp bị mất quyền bảo hộ của Việt Nam thì tương đối nhiều, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ mất nguồn gen quý hiếm do có nhiều giống chúng ta chưa bảo vệ được. Ví dụ như gạo Jasmine 85, chúng ta đã tạo ra giống lúa này 20 năm có lẻ, từng xuất khẩu sang Mỹ với giá cao nhưng do không đăng ký bản quyền nên đã bị một số nước lấy mất giống để sử dụng thành thương hiệu của họ. Một số giống lúa thơm của ta cũng đã bị nước láng giềng lấy, đăng ký bản quyền, xuất khẩu đi khắp nơi.

Hay như giống thanh long, từ chỗ chỉ có thanh long ruột trắng, chúng ta nghiên cứu, lai tạo, nhập khẩu để phát triển thêm thanh long ruột đỏ. Nhưng chỉ vì không chú trọng đúng mức đến việc đăng ký bản quyền, Đài Loan đã lấy một số gen trong giống thanh long của Việt Nam, lai tạo để cho ra một giống thanh long mới ưu việt hơn. Trong trường hợp này, dù biết rõ ràng họ đã vi phạm bản quyền nhưng chúng ta cũng không thể nào làm khác được bởi theo quy định của UPOV, chỉ cần có một tính trạng khác đi là có thể đăng ký giống mới.

Hiện nay, một số nước có công nghệ tiên tiến đã cố tình lấy giống bản địa về, sau đó cải tiến đi một chút để sử dụng thương mại. Tôi cho rằng, đây mới là sự đánh cắp tinh vi nhất.

Vậy theo ông, để thúc đẩy việc bảo hộ bản quyền giống cây trồng chúng ta cần làm gì?

- Việt Nam có nhiều giống cây quý hiếm, có một không hai, lẽ ra việc bảo hộ bản quyền giống phải làm từ rất lâu chứ không phải đợi đến bây giờ mới đề cập, nhưng dù vậy muộn còn hơn không.

Theo tôi, muốn đẩy mạnh việc bảo hộ phải làm bài bản ngay từ khâu xây dựng chính sách, phải có những thay đổi mạnh mẽ trong khâu quản lý chứ không thể làm tản mát được. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đăng ký bản quyền, đổi mới xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy xây dựng một ngân hàng gen quốc gia, việc này chúng tôi đã kiến nghị từ lâu nhưng đến nay ngân hàng gen các giống cây trồng của chúng ta vẫn rất nghèo nàn. Góp ý dự thảo Luật Trồng trọt, chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này, nếu không có một ngân hàng gen tầm cỡ quốc tế, chúng ta không thể nói chuyện bảo hộ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem