Giật mình những con số lao động làm ngoài trời, phải làm việc tới hết đời
Giật mình những con số lao động làm ngoài trời, phải làm việc tới hết đời
Thùy Anh
Chủ nhật, ngày 27/10/2024 13:00 PM (GMT+7)
Lao động tự do, đặc biệt lao động làm công việc ngoài trời thường đối diện với nhiều rủi ro, nhưng tiền lương, thu nhập thấp, không có tích lũy. Điều này đang đe dọa tới chất lượng cuộc sống của người lao động.
Làm dân ngụ cư ở Hà Nội đã được 20 năm, ông Nguyễn Văn Thành (57 tuổi) từng làm nhiều công việc ngoài trời, từ xe ôm, bốc vác, tới phụ hồ. Công việc nào cũng gắn bó vài năm rồi lại nghỉ vì khó khăn. Gần đây nhất, ông chạy xe ôm vì nghĩ sức khỏe suy yếu, nhưng chạy xe được 7 tháng thì thấy ế khách nên ông nghỉ làm rồi lại xin đi trông xe thuê cho bãi xe gần gầm cầu Long Biên.
"Giờ có tuổi, sức khỏe yếu muốn nghỉ việc lắm rồi, nhưng 2 vợ chồng tôi không có tích lũy. Tích góp mãi mới có chút vốn liếng mua nhà cho con, giờ cả nhà vẫn đang căng người làm thêm để lấy tiền trả nợ. Tiền tích lũy không có, không đi làm lại không có cái ăn, cái trả nợ", ông Thành chia sẻ.
Ông Thành cũng cho biết, sau nhiều năm lăn lộn, dãi nắng dầm mưa thường xuyên làm việc ngoài trời khiến giờ sức khỏe của ông đi xuống rất nhiều. Ông thường xuyên bị đau lưng, mỏi khớp. Mất ngủ tối là hôm sau lại đau đầu. Ốm đau nhiều nhưng ông cũng ít đi bệnh viện vì đi bệnh viện ngoài một số dịch vụ được BHYT thanh toán thì vẫn phải đóng thêm.
Không riêng ông Thành, kinh tế khó khăn, khiến nhiều lao động tự do, đặc biệt lao động làm việc ngoài trời phải chật vật hơn trong công cuộc mưu sinh. Có thể kể đến như: Nhóm lao động nhặt rác, ve chai; nhóm lao động làm nghề bốc vác; hay nhóm lao động làm nghề xe ôm... Nhiều người thậm chí phải làm việc tới hết đời.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) chỉ ra biến đổi khí hậu đến sức khỏe của người lao động ngoài trời tại các đô thị ở Việt Nam. Năm 2024, Social Life tiến hành khảo sát 400 người lao động làm các công việc ngoài trời tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Công việc phổ biến của họ là công nhân xây dựng, lái xe, bán hàng rong, khuân vác…
Nghiên cứu có một số kết quả đáng chú ý: 70,5% người lao động nằm trong nhóm 30-60 tuổi; 48,5% gắn bó với công việc này trên 10 năm; trình độ học vấn tương đối thấp (46,3% tốt nghiệp trung học cơ sở và 19,3% dừng lại ở cấp tiểu học); tình trạng cư trú bấp bênh (52% không có hộ khẩu thường trú, 6,5% không có chỗ ở cố định)…
Đặc biệt, 67,2% số lao động trên cho biết, họ không có khoản tiết kiệm nào để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Với họ, dừng làm việc có nghĩa là hết tiền, không có bất kỳ nguồn dự trữ nào để đối phó với những giai đoạn không thể làm việc do thời tiết xấu.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Social Life, cho biết, ngay sau đêm bão Yagi vừa quét qua Hà Nội, lúc mọi thứ còn ngổn ngang thì những người lao động này đã phải bước ra đường làm việc để mưu sinh. Họ không được phép nghỉ để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Tình trạng thiếu vắng các biện pháp dự phòng tài chính càng nghiêm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, lao động ngoài trời dễ mắc bệnh.
22,3% người lao động tham gia khảo sát cho biết có sức khỏe yếu, thường xuyên phải nghỉ làm để trị bệnh. Họ mắc 21 loại bệnh thông thường, chủ yếu là các chứng bệnh liên quan đến nhiệt độ, hô hấp và xương khớp.
Họ làm việc ngoài trời nên dễ mắc bệnh. Khi bệnh phải nghỉ làm mà không có chế độ ốm đau nên mất thu nhập. Nghiên cứu ghi nhận nhiều trường hợp người lao động ngoài trời giảm thu nhập 40-50% trong những tháng cao điểm nắng nóng.
Công việc vất vả nhưng không được đảm bảo an toàn
Nghiên cứu trên của Social Life đã phát hiện những khoảng trống đáng kể trong chính sách bảo vệ người lao động ngoài trời trước tác động của biến đổi khí hậu.
Lao động làm việc ngoài trời được thuê mướn theo giờ, không được chủ trang bị thiết bị bảo hộ, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, với nhóm lao động tự do như người bán hàng rong, xe ôm công nghệ, gần như không có bất kỳ hình thức bảo vệ nào. Ngoài ra, khá đông lao động không có BHYT, BHXH khiến họ dễ bị tổn thương khi gặp các vấn đề sức khỏe hoặc mất thu nhập do thời tiết cực đoan và đặc biệt không thể tiếp cận được với các chính sách an sinh khác.
65,5% số người được khảo sát cho biết họ vẫn phải tiếp tục làm việc trong điều kiện thời tiết nguy hiểm do áp lực về thu nhập vì có nghỉ việc cũng không được hưởng các chế độ nghỉ phép có lương và bảo hiểm thất nghiệp như lao động chính thức có hợp đồng.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần có một mô hình hỗ trợ nhóm lao động ngoài trời vì yếu tố khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến công việc của họ.
Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số nhóm giải pháp có thể làm ngay để cải thiện điều kiện làm việc cho nhóm này như: Xây dựng mạng lưới các trạm nghỉ di động tại những khu vực tập trung đông lao động ngoài trời; thiết lập một quỹ hỗ trợ thiết bị bảo hộ cho người lao động; phát triển các gói bảo hiểm vi mô cho người lao động tự do…
"Lâu dài, triển khai hỗ trợ sinh kế; phát triển các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, tập trung vào các kỹ năng có thể ứng dụng trong môi trường làm việc trong nhà hoặc có điều kiện bảo vệ tốt hơn; xây dựng một nền tảng kết nối việc làm thời vụ dành riêng cho người lao động ngoài trời, giúp họ tìm kiếm các cơ hội việc làm thay thế trong những ngày thời tiết xấu...", ông Lộc chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.