Lao động tự do trắng đêm mưu sinh dịp Tết dương lịch
Lao động tự do trắng đêm mưu sinh dịp Tết Dương lịch
Trung Hiếu - Thùy Anh
Chủ nhật, ngày 31/12/2023 08:48 AM (GMT+7)
Dịp Tết Dương lịch 2024, nhiều người lao động tự do quyết định không về quê mà ở lại Hà Nội. Đây là thời điểm họ tranh thủ "cày cuốc" để kiếm tiền tiêu Tết.
Những ngày cuối năm 2023, khi màn đêm buông xuống, lượng người qua lại tại chợ Long Biên (Ba Đình, Hà Nội) đông như mắc cửi. Từ ngoài đường xe tải xếp thành hàng dài chờ đưa hàng vào chợ. Đây cũng là thời điểm nhiều nữ cửu vạn căng mình kéo xe hàng kiếm kế sinh nhai.
Bà Chu Thị Hà (quê Hưng Yên) - một lao động tự do có kinh nghiệm lâu năm trong chợ vừa kéo xong chuyến hàng chở hơn hai tạ bưởi qua con dốc khúc khuỷu, lởm chởm đất đá. Trời rét như cắt nhưng người phụ nữ 54 tuổi phải cởi phăng chiếc áo khoác để làm việc. Dịp Tết Dương lịch này, bà Hà không về quê mà quyết định ở lại Hà Nội để kiếm thêm thu nhập.
"Bình thường tôi làm ở chợ từ 19 giờ tới 6 giờ sáng hôm sau. Thu nhập một buổi lao động rơi vào khoảng từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng với vài chục chuyến hàng. Những dịp lễ Tết thì lượng hàng ra, vào nhiều hơn nên tôi có thể kiếm được từ 700.000 đồng đến 800.000 đồng một đêm. Hàng hóa tôi chở xe kéo chủ yếu là hoa quả, từ xoài, thanh long, nho, dưa vàng, đu đủ, phật thủ… tất cả đều có hết", bà Hà chia sẻ.
Trong những giây phút hiếm hoi ngồi nghỉ chờ hàng, bà Hà đưa đôi bàn tay đầy vết chai sạn xuống xoa nắn mắt cá chân còn sưng tấy. Bà kể: "Tôi mới hút dịch khớp hôm nọ, giờ chỗ mắt cá vẫn còn đau nhức lắm. Tôi hút buổi sáng xong thì chiều về ngay để kịp giờ kéo hàng buổi tối. Chỉ cần nghỉ một hôm không đi làm là bị mất mối ngay nên tôi cứ đi thôi, nhưng giờ không dám kéo nặng quá vì nếu không lúc làm việc xong sẽ rất đau, không ngồi được".
Đều đặn suốt gần 30 năm nay, đêm nào bà Hà cũng có mặt tại chợ Long Biên để làm việc bất kể thời tiết ra sao. Bà tâm sự, vì bị đau lưng, đau khớp nên bà chỉ có thể kéo hàng ra, vào ở trên cạn chứ không về quê làm đồng ruộng được, cứ xuống bùn là xương khớp lại đau nhức.
"Mỗi tháng tôi về quê 1 lần. Các con tôi thương mẹ làm việc vất vả, chúng cũng động viên mẹ về quê đỡ đần trông cháu chứ không phải lọ mọ đêm hôm đi kéo hàng. Nhưng tôi không muốn phụ thuộc vào các con. Mình còn sức khỏe thì cứ đi làm kiếm thêm đồng ra, đồng vào cho con, cho cháu thêm được đồng nào hay đồng ấy. Tôi có đứa cháu gái nội bị tim bẩm sinh, gần một tháng nay tôi chưa được nhìn thấy mặt cháu nên rất nhớ", bà Hà trải lòng.
Khi được hỏi về những kỳ vọng trong công việc, người phụ nữ 54 tuổi quê Hưng Yên tiếp lời: "Tôi chỉ mong từ giờ đến Tết Âm lịch sắp tới lượng hàng của người ta về nhiều hơn. Họ buôn bán nhiều thì tôi lại kéo được thêm nhiều chuyến, có thêm thu nhập. Ngoài ra, tôi cũng ước sao trời cho tôi sức khỏe để lao động. Tôi sẽ làm công việc này ít nhất đến năm 60 tuổi mới thôi".
Tương tự bà Hà, dịp Tết Dương lịch cũng là lúc anh Nguyễn Thanh Bình (34 tuổi, quê Thái Bình) căng mình nhận đơn, giao hàng để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết Âm lịch tươm tất nhất. Anh Bình đã làm shipper được hơn 1 năm nay, đây là công việc tay trái của anh: "Tôi thường giao hàng khoảng độ từ 18 giờ tối đến 4 giờ sáng. Sau đó tôi về nhà nghỉ ngơi vì còn có công việc khác buổi chiều nữa".
Anh Bình chia sẻ: "Nếu mỗi đêm tôi cố gắng chạy nhiều đơn thì sẽ nhận được khoảng trên dưới 200.000 đồng, nhưng mà trừ tiền xăng xe ra thì cũng chỉ còn hơn 100.000 đồng/đêm. Thời điểm gần Tết, lượng hàng vận chuyển tăng đột biến, có hôm tôi nhận 12 đơn chỉ trong 1 đêm. Năm nay Tết dương lịch tôi không về quê mà sẽ tranh thủ ở lại đây kiếm thêm thu nhập".
2 giờ đêm, tuyến phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) chỉ còn loáng thoáng xe cộ qua lại. Anh Bình đang đứng co ro chờ nhận đơn hàng trong cái rét như cắt da cắt thịt: "Mùa đông như 2 - 3 ngày hôm nay ấy, buổi tối toàn 10 độ với 11 độ, nói chung rất là lạnh. Nên là nếu không có biện pháp nào khắc phục thì nói thẳng là không chạy được, tại vì trời lạnh quá. Tôi phải trang bị đầy đủ áo phao, găng tay đây này".
"Tết Dương lịch phải ở lại đây làm việc thì tôi cũng có tủi thân, chạnh lòng, nhưng không làm thì không có ăn, tôi đành phải cố gắng thôi chứ biết làm sao được…". Chưa kịp dứt lời, anh Bình vội đeo lại găng tay, gạt chân chống xe, di chuyển để nhận đơn hàng tiếp theo…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.