Nó giống hệt xe đưa đón học sinh của các trường nội thành, nhưng khác nhau về độ an toàn.
Không còi, không gương
10 năm nay, vợ chồng chị Đàm Thị Linh (xóm Đồng Roi, thôn Dược Thượng, Tiên Dược) đã gắn bó với những chuyến xe ngựa thồ kiếm miếng cơm manh áo. Hễ người làng cần chở thóc lúa, vật liệu xây dựng là anh chị nhanh chóng có mặt. 2 năm gần đây, xót lòng chứng kiến những đứa trẻ mới bập bẹ lớp 1, gầy yếu phải chấp chới kiễng chân đạp xe đến trường, chị Linh nảy ra sáng kiến dùng xe ngựa đưa đón trẻ đi học.
|
Những chiếc xe ngựa với băng rôn “xe đưa đón học sinh” ở xã Tiên Dược. |
Chị Linh sửa sang lại chiếc xe với ba hàng ghế ngồi trên xe, rèm che nắng hai bên. Xe buýt nội thành có điều hòa thì xe ngựa ở đây có quạt con cóc chạy bằng ắc quy rọi thẳng vào khoang ngồi. Xe ngựa còn được trang bị hệ thống đèn xin đường phía đuôi xe, chỉ thiếu gương chiếu hậu và chiếc còi vì sợ tiếng còi sẽ làm ngựa giật mình.
Trước đây, vợ chồng chị “độc quyền” đưa đón, giờ trong xã đã có thêm 2-3 gia đình “nối gót” phục vụ gần 100 học sinh quanh vùng. Những chuyến xe ngựa lố nhố trẻ em, đủng đỉnh đi từ đầu làng đến cuối làng đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở Tiên Dược.
Hai năm nay, chị Trần Thị Thanh, anh Trần Trọng Thập (xóm 6, Đồng Roi) và nhiều phụ huynh khác đã giao toàn quyền đưa đón con đi học cho chủ xe ngựa.
Ông Nguyễn Văn Cầm, 62 tuổi (xóm Núi, thôn Dược Hạ) đã đưa đón trẻ con đi học được 1 năm cho biết: “Ngoài giờ học, tôi chuyên chở lúa, gạo, vật liệu xây dựng, đến giờ tan lớp, tôi đi đón các cháu luôn. Một xe ngựa góp phần giảm 30 xe máy đưa đón, đường làng đỡ tắc”.
Vừa thồ hàng, vừa đưa đón học sinh, mỗi tháng ông Cầm kiếm được 4-5 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình ở một làng quê đang dần đô thị hóa. Những chiếc “xe buýt” không còi, không gương cứ ngày ngày nhiệt tình phục vụ, đáp ứng nhu cầu thiết thực của bà con 6 thôn.
…Và nhiều bất trắc
Ngày đầu tiên nhìn cảnh 30 cháu chen chúc đằng sau xe ngựa, anh Nguyễn Anh Tuấn (xóm Núi, thôn Dược Hạ) không khỏi giật mình. Xe đi chậm, nhưng lũ trẻ không ngớt trêu ghẹo nhau, có đứa thò tay ra vẫy bạn, có đứa ló mặt ra ngoài khoang xe trong khi đường sá tấp nập.
“Việc quản lý trẻ con vốn không hề đơn giản, huống hồ có những 30 đứa trẻ lố nhố trên xe” - anh Tuấn lo lắng. Anh Nguyễn Văn Tiền (xóm Đồng Roi, thôn Dược Thượng) – một chủ xe ngựa quả quyết: “Đưa đón các cháu luôn phải đề cao trách nhiệm, luôn phải hò hét các cháu giữ trật tự, không đùa nghịch trên xe”. Nhưng theo anh Tuấn, có phụ huynh ở đấy cũng chẳng ai dám chắc lũ trẻ hiếu động kia có thể ngồi im suốt quãng đường đưa đón.
Chi phí đưa đón 200.000 đồng/tháng, mỗi ngày 4 lượt đi về, phụ huynh vừa tiết kiệm được thời gian, xăng xe; chủ xe ngựa vừa có điều kiện tăng thu nhập, đôi bên cùng có lợi.
Chị Đinh Thị Tỉnh (xóm Núi, thôn Dược Hạ)
Nguy hiểm cận kề nhất chính là từ những chú ngựa kéo xe. Cách đây 3 tháng, một người dân trong xã Tiên Dược phải nhập viện vì ngựa bất ngờ chồm lên khiến người cầm cương ngã lăn xuống đất. Những chuyến xe ngựa đưa đón học sinh ngày nào cũng đồng hành với đủ loại thanh âm hỗn độn, inh ỏi nên ngay chủ xe cũng không dám chắc ngựa không lồng lên. Dù tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng việc đi học bằng xe ngựa tại Tiên Dược giờ khá được ưa chuộng nên “quá tải”.
Chứng kiến những chiếc xe ngựa cần mẫn đứng trước cổng trường, ông Nguyễn Văn Phát - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Dược chia sẻ, trong các cuộc họp gần đây, nhà trường và UBND xã đã yêu cầu các chủ xe phải chỉnh trang xe, có hợp đồng cam kết số lượng học sinh phù hợp, đồng thời yêu cầu chủ xe ngựa cam kết chịu trách nhiệm với phụ huynh. Tuy nhiên, vẫn không ai dám nói trước điều gì về sự an toàn cho các cháu.
Tùng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.