Giấy chứng nhận hợp quy làm khó doanh nghiệp phân bón?

Đỗ Quyên Thứ năm, ngày 10/10/2019 13:00 PM (GMT+7)
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) yêu cầu các sản phẩm phân bón sản xuất trong nước đều phải thực hiện chứng nhận hợp quy trước khi công bố hợp quy. Điều này buộc các doanh nghiệp (DN) phải tìm đến các công ty, trung tâm được Cục chỉ định để đăng ký “thực hiện dịch vụ” với chi phí “trên trời”, mỗi nơi một kiểu…
Bình luận 0

Chi phí “trên trời”

Theo quy định, tất cả các sản phẩm phân bón có khảo nghiệm hay không khảo nghiệm đều phải được cấp giấy chứng nhận hợp quy (GHQ) trước khi đưa ra thị trường. Hiện nay, có khoảng 20 đơn vị trong cả nước được phép cấp GHQ cho khoảng gần 1.000 DN phân bón.

Các đơn vị được cấp giấy khá đa dạng gồm: Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 1, 2, 3; Công ty CP Chứng nhận Quốc tế (ICB-Hà Nội); Công ty CP Chứng nhận và Giám định IQC (Hà Nội); Trung tâm Giám định và Chứng nhận hợp chuẩn hợp quy (VietCert, Đà Nẵng); Công ty CP Giám định và Khử trùng FCC (TP.HCM)…

Theo đó, một sản phẩm lần đầu DN xin cấp GHQ thì phải mất chi phí từ 15 - 20 triệu đồng; mẫu thứ 2, thứ 3 trở đi còn lại từ 3 - 5 triệu đồng.

img

Nông dân Hải Dương bón phân cho chanh (ảnh minh họa).  Ảnh: I.T

Trong vai một chủ DN phân bón ở Long An cần xin cấp GHQ cho 6 sản phẩm phân bón sắp hết hạn (tức đã lưu hành 3 năm), chúng tôi điện thoại cho 2 đơn vị nằm trong danh sách chỉ định của Cục BVTV là Công ty Vitest (Đà Nẵng) và Công ty FCC (TP.HCM) để hỏi về thủ tục và dịch vụ cấp giấy. Khi biết tôi đang có nhu cầu, đại diện 2 đơn vị nói trên rất niềm nở xin địa chỉ email để gửi bảng chào giá.

Theo bảng giá, đối với Công ty FCC, mặc dù ở TP.HCM nhưng chi phí cấp GHQ sản phẩm lần đầu khá “cứng” đến 20 triệu đồng; các sản phẩm tiếp theo chỉ còn 5 triệu đồng; ngoài ra còn có thêm: “Chi phí đánh giá giám sát 1 lần/năm” là 10 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí xin GHQ Công ty Vitest đưa ra là 15 triệu đồng.

Vì sao lại có giá cả cách biệt giữa các đơn vị cấp giấy, đại diện một công ty cấp GHQ (xin không nêu tên) nói: “Cách đây 2 năm khi còn thực hiện theo Nghị định 202 thì chúng tôi được Bộ Công Thương chỉ định, sau này có Nghị định 108 thì chuyển sang cho Cục BVTV chỉ định, giá sàn dịch vụ cấp GHQ như thế nào đã có từ trước, còn giá cả chênh lệch giữa các công ty, trung tâm là tùy vào thương hiệu, khả năng của từng đơn vị”.

Ông Trần Lâm Sinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ một cửa xin công bố hợp quy phân bón của các DN, Chi cục chủ yếu xem xét tính pháp lý của đơn vị cấp GHQ có nằm trong danh sách chỉ định của Cục BVTV hay không, trong đó có đủ điều kiện đánh giá tất cả hay một phần các chỉ tiêu phân bón của DN yêu cầu. Thông thường tất cả đều đạt và sau khoảng 10-15 ngày là Chi cục ký giấy xác nhận...

Cưỡi ngựa xem hoa

Mặc dù việc cấp GHQ là một trong quy trình bắt buộc như để chứng nhận các loại sản phẩm buôn bán trên thị trường là hợp pháp nhưng trên thực tế do đây là một hoạt động dịch vụ nên quá trình kiểm tra cấp giấy diễn ra đơn giản, nhanh gọn.

Ông V.V.T - Giám đốc Công ty CP Phân bón BM (KCN Tân Kim, tỉnh Long An) cho biết, đơn vị ông có tất cả 23 sản phẩm phân bón gồm 18 sản phẩm NPK, 5 sản phẩm còn lại là phân đạm và trung vi lượng. Vừa qua, đơn vị ông có 7 sản phẩm NPK hết hạn 3 năm cần phải đăng ký hợp quy lại.

Sau khi liên hệ với một công ty có chức năng cấp GHQ ở Đà Nẵng do chi phí rẻ hơn so với các đơn vị khác, công ty này cử 2 nhân viên (trong hợp đồng gọi là “chuyên gia”) đến tận đơn vị ông VVT để giám sát thực tế nhà máy, lấy mẫu phân tích nhằm ký cấp GHQ theo hợp đồng dịch vụ. Theo ông V.V.T, họ đến nhà máy kiểm tra và lấy mẫu để làm cơ sở cho việc cấp GHQ chỉ mất vài tiếng đồng hồ.

Ông T cho biết: “Thông thường bốc mẫu tại nhà máy lần đầu đem test đều đạt, thậm chí còn vượt bởi không có công ty phân bón nào dại làm giảm (chất lượng) trong trường hợp này cả. Thứ hai, trong việc xin cấp GHQ, không có chuyện có sản phẩm này được cấp, sản phẩm kia không được mà tất cả các sản phẩm khi DN yêu cầu làm dịch vụ đều được cấp 100%”.

Theo ông Trần Văn Châu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK Phân bón Âu Châu (KCN Tân Kim, Long An), việc cấp GHQ hiện có khá nhiều đơn vị làm dịch vụ nên đã có sự cạnh tranh về giá. Từ đó, cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Đáng nói, sau khi ra được số hợp quy, các DN còn phải mua các trục đồng lớn, nhỏ để in dấu hợp quy. Nếu sử dụng bao bì in màng ghép thì cần 5 - 6 trục đồng giá 3,5 - 6 triệu đồng/trục để khắc hình, in chữ, còn tiền đặt bao bì là 10.000 đồng/cái, chi phí cả tiền bao và ống đồng tổng cộng hết 80 - 120 triệu đồng.

Mặc nhiên, tất cả chi phí này các DN đều hạch toán đưa vào giá thành sản phẩm, cuối cùng người nông dân gánh chịu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem