Giếng cổ Chăm hàng trăm năm vẫn tuôn nước, vùng Cùa ở Quảng Trị rước long vị vua Hàm Nghi về thờ
Vùng Cùa ở Quảng Trị có giếng cổ trăm năm nước vẫn trong đầy, của ngon vật lạ không thiếu
Thứ bảy, ngày 03/09/2022 13:40 PM (GMT+7)
Từ thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), muốn vào Cùa phải di chuyển theo con đường độc đạo len lỏi giữa trùng điệp núi đồi, hai bên là rừng keo lai xanh rì. Vượt qua đoạn đường đèo, vùng Cùa hiện ra trước mắt là một thung lũng trù phú, với màu nâu sậm của đất đỏ ba dan, màu xanh tốt tươi của hoa lá…
Có lẽ chính vì địa thế đặc biệt này nên nơi đây đã được vị vua yêu nước Hàm Nghi trong hành trình xuất bôn kháng Pháp vào năm 1885 đã chọn để dừng lại, dựng sơn phòng Tân Sở và ra chiếu Cần Vương. Qua tháng năm, dấu tích của thành quách cũ hầu như chẳng còn lại gì, nhưng vùng Cùa vẫn mang trong mình rất nhiều trầm tích.
Nói đến vùng Cùa, người ta thường đúc kết trong 5 chữ G: giếng, gà, gạo, gia vị và…girl (con gái).
Năm 2020, UBND huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ rước long vị vua Hàm Nghi từ kinh thành Huế ra Cùa -Ảnh: NGUYỄN PHÚC.
1. Hẳn nhiều người biết đến làng giếng cổ Gio An, huyện Gio Linh nhưng không phải ai cũng biết ở vùng Cùa cũng có giếng cổ. Thậm chí, không những có mà còn có nhiều và trở thành “di sản” của vùng đất này.
Tất nhiên, giếng cổ ở Cùa cũng khác biệt hơn những nơi khác. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng thôn Mai Lộc 2, xã Cam Nghĩa - người được dân địa phương gọi là “nhà giếng cổ học”- thì hầu hết các giếng ở vùng Cùa có niên đại hàng trăm năm là giếng Chăm, làm bằng đá tổ ong và gỗ trai, chỉ sâu hơn 1 m, nhưng quanh năm ăm ắp nước.
“Ví dụ như giếng Cây Thị có khắc chữ “Tân Hợi niên tạo”, được hiểu là có từ năm 1911. Giếng có 2 đáy, được ghép bằng gỗ trai, loại gỗ ngâm dưới nước bao nhiêu cũng không hỏng, mục đích là để không bị động bùn. Thân giếng được làm bằng đá ong, xếp lại với nhau bằng mộng mà không cần dùng vữa”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, lịch sử những ngôi làng ở Cùa có hàng trăm năm mà phàm con người đi đến đâu lập làng cũng phải tìm nguồn nước. Ngày xưa chưa có nước máy, giếng khoan thì cả làng đều dùng nước giếng cổ, ngày ngày mang quang gánh ra giếng đưa nước về nhà.
“Ngày nay, dân làng vẫn luôn bảo tồn giá trị vật thể cha ông để lại. Hằng năm có ngày hội làng, bà con vẫn ra nạo vét giếng cổ. Với người dân, giếng cổ là long mạch của làng, phúc họa của làng, nên không thể để cạn”, ông Hiếu cho biết.
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Văn hóa huyện Cam Lộ cũng là người đang sinh sống ở Cùa cho hay dù không nhiều nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương luôn dành những khoản kinh phí để gìn giữ hệ thống giếng cổ ở Cùa.
Trong đó các giếng: Gai, Cây Bàng, Cây Thị, Vòi… đều đã được tôn tạo. “Chúng tôi vẫn đang rà soát lại, để giữ được càng nhiều giếng cổ ở Cùa càng tốt. Bởi người xưa nói rồi, mạch nước là…vận dân”, ông Đức nói.
Ông Nguyễn Văn Hiếu trình bày về cấu tạo của giếng cổ Cây Thị -Ảnh: NGUYỄN PHÚC
2. Bạn có tin rằng một chú gà dù nặng chưa đầy 1 kg vẫn có thể bán với giá 300 ngàn đồng/con. Vậy mà ở vùng Cùa, gà được bán với giá đó. Đây là loại gà thả vườn chẳng biết được nuôi ở vùng đất này tự khi nào, chỉ biết trọng lượng của nó khá nhỏ, chỉ trên dưới 1,2 kg là “hết lớn”. Gà Cùa chân nhỏ, lông mượt, mỏ dài, thịt thơm và dai. Theo người dân địa phương, ngoài yếu tố về giống, gà Của ngon là bởi chúng được chăn thả khá tự nhiên khi “sáng ăn mối, tối ngủ cây”.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa tự hào nói rằng: “Nếu đến Cùa mà chưa ăn gà thì xem như…chưa đến”. Bởi rằng, cũng là con gà đó nhưng nếu ăn ở Đông Hà chưa hẳn đã ngon bằng. Phần nữa, cũng chỉ ở Cùa mới có, khi gà không ăn với lá chanh mà ăn với rau trần (một loại cây mọc trên rừng, được người Cùa đem về trồng ở vườn nhà, lá rất dày và có hương vị rất khác biệt).
Dễ hiểu khi khắp xóm làng Cùa, nhiều “nhà hàng gà Cùa” được mọc lên để đón du khách gần xa ghé chân thưởng thức. Tất nhiên, việc nêm nếm còn tùy vào mỗi đầu bếp, nhưng chỉ cần “nguyên liệu” là gà Cùa cũng đủ làm hài lòng các thực khách khó tính.
Muốn mang hương vị gà Cùa bay xa khỏi thung lũng trù phú này, nhiều nông dân đã mở trang trại nuôi gà với quy mô lớn. Điểu hình là anh Vũ Văn Bắc (39 tuổi), chủ trại gà Tâm Bắc, thôn Đoàn Kết, xã Cam Nghĩa. Trên diện tích 0,6 ha, anh Bắc cho “thả rông” hơn 2.000 con gà Cùa… Sau 12 năm bám đất bám làng, hàng chục ngàn con gà Cùa của anh Bắc đã được xuất bán khắp muôn phương.
Cô gái xứ Cùa thu hoạch tiêu. -Ảnh: THANH LỘC
3. Cũng ở vùng Cùa, người ta đang tìm cách khôi phục một loại gạo đã từng gắn bó với vùng đất này từ xa xưa, có cái tên nghe rất lạ tai - gạo cồ. Theo những bậc cao niên còn sống ở nơi này, nhiều năm về trước, người vùng Cùa vừa trồng lúa cạn, vừa trồng lúa sâu. Lúa cạn cho ra gạo cồ là giống lúa gieo trồng trên vùng đất cằn khô, hạn đến mấy cũng không chết. Tương truyền loại lúa gạo này được người vùng Cùa lấy giống ở khu vực người miền thượng (đồng bào dân tộc ít người) đem về trồng.
“Với lúa cồ, chỉ cần cày đất và vại, chờ cho nó lớn và thu hoạch. Vì phương thức canh tác là…không làm gì cả nên năng suất thu hoạch rất thấp. Được cái gạo lại ngon, hạt không trắng nhưng giã ra ăn rất béo, có thể nấu bánh đúc rất ngon hoặc bỏ thêm lá mía vào ăn cùng… Nhưng đó là chuyện từ trước, chứ năm 1972, khi tôi đi bộ đội về làng thì không có gạo cồ nữa”, ông Nguyễn Hữu Khảng (86 tuổi), thôn Mai Đàn, xã Cam Chính nói.
Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa Nguyễn Văn Hà kể rằng ngày nhỏ ông đã từng trồng gạo cồ. Rằng, cứ đến sau lũ tiểu mãn là vại giống, để khoảng 1 tuần sau thì lúa lên, đến khoảng tháng 9 thì thu hoạch. “Năng suất thấp lắm, ví dụ như lúa gạo ngày nay 1 sào là 15 gánh thì lúa gạo cồ 1 sào chỉ được 3 gánh. Dù có ngon đến mấy, gạo cồ bị mai một là vì lý do đó”, ông Hà nhấn mạnh.
Với khát vọng làm “sống lại” loại lúa gạo của miền ký ức, UBND xã Cam Nghĩa đã cho người lên các huyện Đakrông, Hướng Hóa tìm lại giống gạo cồ và chuẩn bị 4 sào đất để trồng thử với quyết tâm “ngày xưa ông bà trồng được thì giờ cũng trồng được”.
4. Gia vị cũng là một “chữ G” khác làm nên thương hiệu vùng đất Cùa. Tưởng như khi được gieo trồng ở vùng đất đỏ ba dan đặc trưng này, mỗi thứ gia vị đều phô diễn hết tất thảy những đặc trưng của mình. Như ớt, tiêu thì sẽ cay nồng hơn. Như ném, dong riềng sẽ ngậy mùi hơn. Như nghệ sẽ vàng hơn, bùi hơn…
“Từ trước đến nay cũng không ai cắt nghĩa được nguyên cớ, bởi nói cho cùng thì những giống gia vị ấy ở đâu cũng giống nhau. Thành ra mọi người chỉ biết “đổ tội” cho đất đai nơi này quá tốt tươi”, bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Chủ tịch xã Cam Nghĩa ví von. Nhưng tiếng tăm nhất trong các loại gia vị có lẽ là tiêu Cùa. Bởi loại tiêu này đã được Công ty Cổ phần Tổng công ty thương mại Quảng Trị (Sepon group) đóng gói, mang sang tận Châu Âu và Châu Mỹ để bán. Năm 2018, “Chất lượng quốc tế thế kỷ, hạng vàng” là giải thưởng của Tổ chức Business Initiative Directions của Tây Ban Nha trao cho sản phẩm tiêu Cùa của Sepon group. “Tiêu Cùa sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường nội địa, trong khi đó sau những container xuất sang Châu Âu và Châu Mỹ, bạn hàng Tây rất ưng bụng”, ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Sepon group từng chia sẻ.
5. Chữ G cuối cùng, xin dành cho những cô gái xứ Cùa. Có giả thuyết rằng, sỡ dĩ con gái xứ Cùa có sắc đẹp mặn mà là vì khi vua Hàm Nghi đến Tân Sở đã mang theo ít nhiều tỳ thiếp. Những người này không thể đi cùng đoàn nhà vua ra Bắc, nên ở lại vùng Cùa, lập gia đình, sinh ra nhiều thế hệ. Tuy nhiên, giả thuyết này bị phản bác bởi thời điểm vua Hàm Nghi xuất bôn khỏi kinh thành Huế trong vội vã, tỳ thiếp nếu có cùng đi cũng không nhiều…Cũng có giả thiết con gái Cùa da trắng, môi hồng là vì nguồn nước ở nơi này.
Bàn về việc này, ông Hà cho rằng: “Đẹp xấu còn tùy mắt người nhìn nhưng quả thật con gái xứ Cùa hầu hết đều có nét duyên dáng từ hình thức đến lời ăn, tiếng nói. Đã từng có nhiều cô gái xứ Cùa đạt giải tại các cuộc thi sắc đẹp lớn nhỏ, chuyện đó ai cũng biết”.
Vậy nên, mới nói, đến Cùa, múc gáo nước giếng cổ rửa mặt, ăn những đặc sản riêng có ở nơi này và ngắm nhìn những cô gái đẹp…, đó là quả là một lựa chọn không tồi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.