Trồng cây gỗ trắc quý hiếm, ông nông dân Quảng Trị rủ cả làng "chôn kho báu" trong rừng
Một nông dân Quảng Trị suốt mấy chục năm "cầm tay chỉ việc" giúp đồng bào "chôn kho báu" trong rừng
Thứ tư, ngày 20/07/2022 19:40 PM (GMT+7)
Ở tuổi 89, bước chân cựu chiến binh Hồ Văn Với, thôn Cu Tài, xã A Bung, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) vẫn nhanh nhẹn và vững vàng như cây lim, cây huê. Ông đi khắp các bản, làng hướng dẫn bà con cách trồng cây, gây rừng, làm giàu từ những cây gỗ quý.
Như cây cổ thụ tỏa bóng mát giữa đại ngàn, hành trình tiên phong làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái học hành nên người và lặng thầm làm việc nghĩa của ông là điểm tựa cho bà con người đồng bào dân tộc Pa Kô ở núi rừng Trường Sơn tin yêu để từ đó học tập, làm theo…
Vinh dự được gặp Bác Hồ
Gặp cựu chiến binh Hồ Văn Với, chúng tôi khá bất ngờ, bởi ở tuổi 89 nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Trong căn nhà nhỏ thấp thoáng sau vườn cây gỗ huê cao lớn của gia đình, ánh mắt người cựu chiến binh già tươi cười, tràn đầy năng lượng, cuốn hút người đối diện vào câu chuyện nghĩa tình của cuộc đời ông.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng là xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hồ Văn Với cũng có “gen” anh hùng như những người bà con, họ hàng cùng quê của ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ A Nun.
Năm 1957, khi quê hương rền vang tiếng súng của quân thù, cũng như lớp thanh niên yêu nước lúc bấy giờ, Hồ Văn Với rời làng xung phong đi bộ đội, tham gia vận tải vũ khí súng đạn, lương thực trong đội hình Đoàn Bình Sơn, Cục Hậu cần 503, Quân khu 5.
Đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến đấu, bước chân ông đi khắp vùng núi rừng Tây Giang, Đông Giang thuộc tỉnh Quảng Nam - nơi đơn vị đóng quân cho đến các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên.
“Hồi đó, những người khỏe nhất đơn vị có thể gùi khoảng 130 -140 kg súng, đạn hoặc 100 kg gạo, do súng đạn dễ gùi hơn gạo. Tôi cân nặng chỉ 42 kg nhưng gùi hàng nặng tới 162 kg, được phong “kiện tướng gùi hàng”. Với thành tích đó, năm 1966, tôi là một trong ba người ở Quân khu 5 được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường, hộ tống Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội và báo công với Bác Hồ vào ngày 5/9/1966” - cựu chiến binh Hồ Văn Với kể.
Vinh dự được gặp mặt báo công với Bác Hồ, nhớ lời Bác dặn vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi người hãy nỗ lực, phấn đấu làm việc bằng ba người, vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu, từ đó ông Với luôn nỗ lực phấn đấu làm việc hết sức mình, xem đây là phương châm hành động suốt cuộc đời sau này.
Căn nhà của cựu chiến binh Hồ Văn Với treo rất nhiều bằng khen về thành tích trong phong trào thi đua yêu nước -Ảnh: TH.
Sau lần vinh dự gặp Bác Hồ, ông Với được đơn vị cử đi học bổ túc quân sự và bổ túc chính trị tại Trường Quân chính Quân khu 5. Đến năm 1969, ông được chuyển về Quân khu Trị Thiên (tách ra từ Quân khu 5), hoạt động trong đội hình Đoàn 559 tại các binh trạm 105, 106, 107, 42, 43… , đóng ở khu vực các xã Tà Rụt, A Ngo, A Bung cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Tư duy luôn đổi mới, sáng tạo
Những năm tháng phục vụ vận tải vũ khí, lương thực tại Binh trạm 106, khu vực xã A Bung, huyện Đakrông ngày nay, nhận thấy vùng đất này khá màu mỡ, gần với cửa khẩu La Lay (nay là cửa khẩu quốc tế) thuận tiện giao thương hàng hóa qua lại giữa hai nước Việt Nam - Lào, nên ngày quê hương sạch bóng quân thù, ông Với quyết định chọn A Bung làm quê hương thứ hai để lập nghiệp.
Trong khi đồng bào dân tộc thiểu số miền núi vẫn còn du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy, sản xuất nông nghiệp nhờ trời, thì người cựu chiến binh này xác định tập trung đầu tư phát triển sản xuất ổn định trên khu rừng diện tích chừng 10 ha.
Hết mùa gieo hạt, ông buôn bán trâu, bò và vải thổ cẩm qua lại khu vực biên giới Việt Nam - Lào kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Những năm 80 của thế kỷ 20, ông là người đầu tiên ở vùng núi rừng A Bung biết be bờ, đắp đập, cải tạo đất đưa nước về làm ruộng dọc các khe suối vườn nhà, đảm bảo được lương thực, không lo thiếu đói.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trên vùng đồi của gia đình ông trồng đủ loại cây như sắn, dứa, ngô, chuối và trồng rừng. Còn vào khoảng những năm 90 của thế kỷ 20, ở Đakrông chưa ai nghĩ có thể làm giàu từ rừng thì ông đã trồng 10 ha bời lời đỏ và cây tràm để bán mang lại nguồn thu nhập khá.
Từ năm 2000, ông bắt đầu chuyển hướng tìm mua giống cây huê, trắc, lim về trồng ở vườn nhà. Trên diện tích sản xuất 10 ha của gia đình, ông nuôi gần 20 con trâu, bò, thả 2 ao cá, trồng 1 sào ruộng nước, 6 ha tràm, 2 ha gỗ huê và buôn bán trâu, bò.
Thu nhập hàng năm của gia đình sau khi trừ chi phí đạt hơn 100 triệu đồng. Luôn đi đầu làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Hồ Văn Với 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen dẫn đầu phong trào thi đua vào năm 2006 và năm 2011.
Nhờ làm kinh tế giỏi, nên dù ở vùng sâu, vùng xa, song con cái của cựu chiến binh Hồ Văn Với cũng có điều kiện học hành thành đạt. Vợ chồng ông có 10 người con, 5 trai, 5 gái thì có đến 9 người con tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng; 8 người hiện đang công tác trong các lực lượng công an, quân đội, biên phòng và giáo dục.
Đặc biệt, hiện nay gia đình cựu chiến binh Hồ Văn Với đã trồng được hơn 2 ha cây gỗ huê, trong đó có hơn 100 cây 20 năm tuổi có thể bán với giá gỗ quý hiếm; khoảng 100 cây gỗ trắc và nhiều cây gỗ lim có giá trị…
Từ năm 2017 đến nay, chỉ tính riêng cây gỗ huê gia đình ông đã bán 12 cây, thu về số tiền 400 triệu đồng, bình quân mỗi năm thu nhập 100 triệu đồng từ gỗ huê. “Vợ chồng tôi nay đã già, không còn sức khỏe để trồng trọt và chăn nuôi nhiều loại cây, con như trước, nên đã chuyển sang trồng cây gỗ quý để bán cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Gỗ huê và gỗ trắc là những cây gỗ quý hiếm được thu mua với giá rất cao; qua thực tế cho thấy là cây dễ trồng, phù hợp với chất đất vùng miền núi Đakrông, Hướng Hóa. Đây mô hình mới không chỉ làm giàu cho gia đình tôi mà còn mở ra hướng đi giúp bà con đồng bào dân tộc miền núi sống ở rừng có thể vươn lên làm giàu từ rừng cây gỗ quý” - cựu chiến binh Hồ Văn Với chia sẻ.
Vì một lời hứa với đồng đội
Cho đến bây giờ, cựu chiến binh Hồ Văn Với vẫn canh cánh trong lòng chuyện do dịch bệnh và những quy định chống dịch của nước bạn Lào nên ông chưa thể sang Lào để tìm kiếm, quy tập hài cốt của 2 liệt sĩ do người dân báo để đưa về quê.
Ông tâm sự: “Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, tôi không về quê mà chọn ở lại xã A Bung, huyện Đakrông cũng vì lời hứa đi tìm đồng đội hy sinh đưa về quê hương. Hồi đó, bộ đội ta hy sinh nhiều lắm. Anh em chúng tôi hứa với nhau ai còn sống thì gắng đưa người nằm xuống về quê.
Từ năm 1983, tôi đi buôn trâu, bò và thổ cẩm qua về cửa khẩu Việt Nam - Lào, kiêm luôn cả việc tìm hài cốt của đồng đội, rồi móc nối với những người rà tìm phế liệu chiến tranh để nhận tin báo, xác minh thông tin và báo tin cho cơ quan chức năng của tỉnh Bình - Trị - Thiên trước đây và tỉnh Quảng Trị sau này đưa các anh về. Mỗi hài cốt liệt sĩ tìm thấy tôi đều có quà cho người báo tin và chuẩn bị các lễ vật cúng theo phong tục mà dân bản yêu cầu khi tiến hành cất bốc, như gà, lợn, rượu, thuốc lá…, nên công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khá thuận lợi. Lâu dần, khi có thông tin về hài cốt liệt sĩ trong vùng thì người dân đều tìm đến nhà tôi để báo tin.
Đến nay, tôi đã tìm kiếm và quy tập về nghĩa trang 167 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 37 liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào. Vợ chồng tôi đều là cựu chiến binh, đều từng vào sinh ra tử, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh trong khi mình may mắn còn sống, nên còn sống là chúng tôi còn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để thực hiện lời hứa với đồng đội năm xưa”.
Cũng theo cựu chiến binh Hồ Văn Với, nghĩa tình đồng đội và tình cảm quân dân gắn bó, đùm bọc nhau trong những năm tháng chiến tranh gian khổ luôn đậm sâu trong tâm trí ông.
Nên khi có điều kiện kinh tế ổn định, từ năm 1981 gia đình ông đã lắp đặt đường ống nước dài 4 km để đưa nước sinh hoạt từ trên núi về phục vụ sinh hoạt gia đình và cho hơn 80 hộ dân hai bản Cu Tài và Ty Nê. Việc làm này theo ông là để chia sẻ khó khăn với bà con dân bản ngày xưa đùm bọc mình.
Đến năm 2007, xã A Bung mới có điện lưới quốc gia, nhưng từ năm 1993 ông đã mua máy phát điện về thắp sáng trong gia đình và chia sẻ nguồn điện sáng cho các gia đình sống xung quanh. Những mô hình phát triển kinh tế mới ở miền núi như trồng lúa nước, trồng rừng và trồng cây gỗ quý hiếm, bản thân ông đi đầu thực hiện và hướng dẫn bà con học tập làm theo, từ đó đời sống người dân có nhiều cải thiện tích cực.
“Làm được nhiều việc tốt, giúp được nhiều người, lương tâm tôi cảm thấy rất thanh thản. Đặc biệt, mình còn sống, có điều kiện kinh tế ổn định như hôm nay là phải nhớ về sự hy sinh của đồng đội để mình được sống ý nghĩa” - cựu chiến binh Hồ Văn Với tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.