Gieo khát vọng ấm no trên cây nêu ngày Tết

Văn Long Thứ hai, ngày 30/01/2023 14:20 PM (GMT+7)
Những cây nêu thường xuyên xuất hiện trong lễ cúng mừng buôn làng mới, mừng lúa mới hay cúng bến nước của các dân tộc thiểu số bản địa tại Tây Nguyên. Nhưng để phân biệt và hiểu được ý nghĩa được gửi gắm vào đó thì lại ít người biết.
Bình luận 0

Giáo dục thế hệ trẻ

Những ngôi nhà sàn, chiêng, ché, nhiều cây nêu của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên được trưng bày bên bờ hồ Xuân Hương (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) hiện nay là không gian được rất nhiều học sinh, du khách yêu thích tham quan, tìm hiểu. Tại không gian triển lãm "thiên đường Tây Nguyên", nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm (65 tuổi, ngụ TP. Đà Lạt) đã đưa 5.400 hiện vật về đời sống văn hóa, kinh tế của hàng chục dân tộc bản địa Tây Nguyên mà ông đã sưu tầm trong 40 năm qua để du khách tham quan. Đây chỉ là 1 phần nhỏ trong số "gia tài" hơn 30.000 hiện vật của ông.

Gieo khát vọng ấm no trên cây nêu ngày Tết - Ảnh 1.

Các dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên vui trong ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Mai Văn Bảo

Trong không gian này, nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm cũng cất công mời những người lớn tuổi của các dân tộc thiểu số như Mạ, Gia Rai, M'Nông, K'Ho về để dựng những cây nêu đặc trưng có trong các lễ hội để người dân, du khách được tham quan.

"Những hiện vật hay những cây nêu mà mọi người thường thấy trong các lễ hội được phục dựng lại, thế nhưng ý nghĩa, cũng như những khát vọng của người dân tộc bản địa gửi gắm vào đó thì không phải ai cũng biết. Qua trưng bày, giới thiệu, tôi muốn mọi người yêu quý hơn con người cũng như văn hóa Tây Nguyên"- nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm nói.

tan/Gieo khát vọng ấm no trên cây nêu ngày tết - Ảnh 2.

Ông K’Mếk (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) đến hỗ trợ ông Đặng Minh Tâm giới thiệu về cây nêu. Ảnh: V.L

Cây nêu của người K'Ho dưới chân núi Langbiang (tỉnh Lâm Đồng) được chạm khắc tỉ mỉ, thể hiện khát vọng no đủ với hình tượng trâu, ché rượu, cối giã gạo...

Nói về 9 cây nêu được dựng trong không gian triển lãm, nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm cho hay, đây là những cây nêu đặc trưng đại diện cho 5 dân tộc tiêu biểu ở Bắc, Trung, Nam Tây Nguyên. "Cây nêu của người Việt mang tính chất đấu tranh giữa cái thiện, cái ác. Thường được dựng ở đình, chủ yếu làm bằng tre, ít khi làm bằng gỗ và khá đơn giản, ít khi được sơn màu. Thông thường, cây nêu của người Việt được làm bằng cây tre nhưng chặt bỏ hết lá chỉ để lại vài nhánh ở ngọn trên cùng. Bên dưới phần lá đó khoảng 1m sẽ được làm một cái bầu để chứa những thứ có giá trị đuổi tà ma như quả bồ kết, gai chanh, lá dứa, thậm chí là máu gà, máu chó. Cây nêu người Việt thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Dân gian cho rằng, vào những ngày này, ông Công, ông Táo về trời thì sẽ không có ai cai quản nên tà ma sẽ lợi dụng để quấy phá dân làng. Chính vì vậy, cây nêu được dựng lên nhằm xua đuổi tà ma, xui xẻo trong năm mới. Ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, cây nêu sẽ được hạ xuống. Về cơ bản cây nêu của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên cũng có ý nghĩa xua đuổi tà ma nhưng xuất hiện nhiều hơn trong đời sống của người dân. Các ngày lễ như lập buôn làng mới, cúng lúa mới, cũng bến nước, thêm tuổi... những cây nêu đều được người dân tộc bản địa dựng lên", ông Đặng Minh Tâm chia sẻ.

Khát vọng ấm no

tan/Gieo khát vọng ấm no trên cây nêu ngày tết - Ảnh 4.

Theo nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm, cây nêu cúng bến nước của người Gia Rai, tỉnh Gia Lai rất hay và đặc biệt. Ảnh: V.L

"Nhìn chung, những cây nêu của người dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên đều thể hiện khát vọng nền nông nghiệp ổn định, no đủ và đầm ấm. Vì vậy, các vật dụng như cối giã gạo, bông lúa, chiêng, ché rượu, con trâu hay con voi đều được thể hiện, chạm khắc trên thân cây nêu. Tuy nhiên, muốn phân biệt được cây nêu của các dân tộc như thế nào cần tìm hiểu kỹ và chính xác"- nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm chia sẻ với phóng viên.

Ông Đặng Minh Tâm cho biết, phía Bắc Tây Nguyên, tiêu biểu là cây nêu cúng bến nước của người Gia Rai ở làng Bông, xã Hà Bầu (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Câu nêu này được dựng lên khi dân làng tìm được nguồn nước dẫn về buôn làng, khi đó Già làng sẽ cùng người dân dựng cây nêu cúng bến nước lên để cầu mong nước luôn dồi dào không đứt mạch, trong sạch, ngon, ngọt. Cây nêu của người Gia Rai luôn được dựng có phần chân chụm lại, bên trên được làm thêm phần khay hình vuông để chứa đựng vật phẩm khi cúng.

Trong khi đó, người Ba Na dựng cây nêu khá cao, cây nêu cao nhất được dựng lên khi cúng dựng làng mới. Cây nêu này cũng được dựng lên với phần chân chụm lại, 4 góc được dựng lên 4 cây tạo thành hình vuông cao khoảng 1m. Đầu của 4 cây 4 góc được đẽo thành hình ngọn cây dớn rừng. Cây dớn rừng tượng trưng cho sức sống mãnh liệt không bao giờ chịu khuất phục của người Ba Na. 4 cây trên cũng tượng trưng cho 4 cột của nhà rông hay 4 tay của cây đao, cây kiếm.

"Cùng với 4 ngọn dớn rừng, 4 cây tre cũng được dựng lên ở 4 hướng để treo các vật dụng được làm từ tre, gỗ tượng trưng cho cá, thóc lúa, đầu trâu để tượng trưng cho nền nông nghiệp phát triển, lương thực dồi dào, no đủ. Cây cột chính ở giữa được sơn chủ đạo màu đỏ, tượng trưng cho ngọn lửa. Phần ngọn của cây cột chính lại được chia làm 7 tầng, tượng trưng các tầng cư ngụ cho tất cả các thần linh mà dân tộc đó đang thờ. Đặc biệt trên ngọn cây nêu có 3 vòng tròn, vòng tròn trên cùng tượng trưng cho Mặt trời"- ông Đặng Minh Tâm giải thích.

Ông Tâm cho hay, cây nêu của người Ê Đê là thấp nhất nhưng lại cứng cáp nhất, chủ yếu làm bằng gỗ. Theo ông Tâm tìm hiểu, nghiên cứu, cây nêu của người Ê Đê phần ngọn bao giờ cũng được đẽo nhọn hình bông chuối, điều này tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, con đàn cháu đống. Bên dưới của phần ngọn thường có nhiều vạch, bởi mỗi lần cúng thì gia chủ sẽ dùng dao khắc lên đó. Vì vậy, người ngoài khi nhìn vào cây nêu sẽ biết gia chủ đó cúng ít hay nhiều. Đặc biệt, khi nhìn vào phần ngọn của cây nêu này nếu thấy được sơn màu đen sẽ biết gia đình đó có tang.

"Cây nêu của người K'Ho, người Mạ hay người M'Nông đều có những điểm khác biệt nhất định. Nhưng nhìn chung những cây nêu của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên đều mang khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xua đuổi tà ma. Cây nêu cũng là nơi chứa hình ảnh chim T'Lang, là loài chim "kết nối" giữa ông bà, tổ tiên hay thần linh đến với thế giới con người, bảo vệ buôn làng trước cái xấu, tà ma" - ông Đặng Minh Tâm thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem