Gieo mầm, thức dậy vươn xa

Trọng Thủy Thứ hai, ngày 14/10/2019 08:40 AM (GMT+7)
Chuỗi sự kiện của Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam, đã lắng đọng những cảm xúc sâu xa về trí tuệ, tài năng, đức hy sinh của người nông dân Việt...
Bình luận 0

Xuyên suốt chuỗi sự kiện của Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam, từ trao giải Báo chí toàn quốc viết về người nông dân hội nhập; Diễn đàn Cùng nông dân đi chợ thế giới đến Lễ tôn vinh nông dân xuất sắc 2019 trong dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2019) đã lắng đọng những cảm xúc sâu xa về trí tuệ, tài năng, đức hy sinh của người nông dân Việt; truyền cảm hứng tới triệu con tim trong đêm tôn vinh nông dân xuất sắc qua trang sử “Gieo mầm, thức dậy, vươn xa”.

img

Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương và đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc cho 12 nông dân thuộc lĩnh vực xây dựng Nông thôn mới và Bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: Lê Hiếu.

Dõi bước 33 năm con đường đổi mới của Việt Nam, có thể chia “Tam nông” thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là xóa đói giảm nghèo (1986 – 1999), với những chính sách đổi mới kinh tế đã tạo ra bước ngoặt đổi mới mô hình tăng trưởng, từ không thị trường sang kinh tế thị trường; từ không hội nhập sang hội nhập; từ sở hữu đơn thuần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể sang đa sở hữu, có kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn nước ngoài. Từ đó mà mọi nguồn lực xã hội được giải phóng, nông dân thoát đói nghèo và vươn tới làm giàu. Đổi mới đã đem lợi ích đến mọi người, mọi nhà và tạo ra tiền đề cho thời kỳ mới - phát triển.

Giai đoạn 2 là thúc đẩy tăng trưởng (1999 đến nay), tập trung đầu tư phát triển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, khuyến khích hộ nông dân làm giàu và phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại, gia trại, nông trại và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; gắn sản xuất với kinh doanh nông nghiệp. Dù chưa hoàn hảo, nhưng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu liên tục tăng, từ 2,5 tỷ USD (năm 1999), 10 tỷ USD (năm 2012) và đến năm 2018 đã đạt mức 40,26 tỷ USD. Việt Nam, liên tục trong nhiều năm trở thành quốc gia xếp thứ hạng cao trong xuất khẩu nông sản trên thế giới.

Cuộc cải cách mạnh mẽ nông nghiệp cũng giống lần trước từ điểm khởi đầu, là những đụng chạm đến đột phá tư duy. Đó chính là cái mà chúng ta hay gọi bằng những cái tên như “quan điểm”, “lập trường”, “cách nghĩ” trong bối cảnh toàn bộ nhân dân đã thấy hết sự thật là phải vượt qua khuôn khổ hợp tác xã để đưa ruộng đất, tư liệu sản xuất về cho nông dân. Trong hệ thống chính trị có người thấy nhưng nhiều người không. Họ sợ rằng, chuyển từ làm ăn tập thể sang cá thể thì sẽ vỡ mất nền tảng căn bản của chủ nghĩa xã hội. Cuối cùng, việc này chỉ làm được sau hàng chục năm.

“Đột phá” cũng có những vấn đề tranh cãi không kém phần gay gắt, quyết liệt như thực hiện sở hữu toàn dân đất đai như thế nào trong quan hệ với quyền sử dụng đất đa dạng, vai trò kinh tế nhà nước tới đâu trong định hướng và hỗ trợ nông nghiệp, nông dân… Chính những tư duy cũ đã làm chậm đi quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.

Song nhìn chung giai đoạn này đã có sự đồng cảm rộng hơn. Và quan trọng là, không chỉ nhân dân mà các cấp lãnh đạo và toàn xã hội đều thấy những tồn tại nhức nhối trong “tam nông” cần thay đổi. Nhưng có cái khó khác không đến từ sự “nhạy cảm” về chính trị. Nếu như lần trước tất cả mọi người đều nghèo, cả xã hội bị dồn vào thế bế tắc, không lối ra, nhất là khi phe xã hội chủ nghĩa không còn…, thì mọi người ai cũng thấy “Đổi mới” là lối thoát. Hội nhập - là bước vào cơ chế thị trường, là tư duy toàn cầu mới, luật chơi của thế giới mới, kinh tế tri thức mới, “thế giới phẳng” là mới. Không làm chủ cái mới thì ít có cơ hội thành công.

Ngoài ra, “tam nông” đang đứng trước một cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật – công nghệ 4.0 và khái niệm người tiêu dùng, khách hàng là tâm điểm của mọi chính sách, mọi sản phẩm nông sản để bán ra theo hợp đồng, chứ không hẳn là việc “trồng cây gì, nuôi con gì” mà cả người lãnh đạo, người nông dân phải lần mò, gieo neo… như đi trên ngõ vắng!

img

Mô hình nuôi lươn giống xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc của anh Nguyễn Thanh Tân - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 đến từ tỉnh Vĩnh Long.  Ảnh: Hồng Cẩm

Giai đoạn 3 là kiến tạo phồn vinh (2020 đến 2050), với đặc trưng là khả năng hoạch định chiến lược; nỗ lực phát triển khoa học kỹ thuật - công nghệ trong công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và thành công trong sử dụng người hiền tài. Nếu giai đoạn này, tư duy về “tam nông” không đột phá, khát vọng của cán bộ Hội Nông dân, người nông dân không đủ lớn và lớp nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chỉ xoay sở, nâng sự cố gắng, thúc đẩy tăng trưởng (như giai đoạn 2) thì sẽ đứng trước 3 rủi ro lớn: Rủi ro về cấu trúc kinh tế nông nghiệp; rủi ro về bất ổn định xã hội nông thôn và rủi ro về sự loanh quanh trong “bẫy nghèo” của người nông dân trong thời kỳ phát triển.

Có được Đà Lạt tràn hoa, lớp lớp nhà kính nông nghiệp công nghệ cao. Có được vùng Đồng bằng sông Cửu Long bát ngát lúa vàng, mênh mang vườn trái cây trĩu quả, sông nước giàu cá tôm… mang thương hiệu Việt Nam đi 4 biển 5 châu – sự khởi nguồn ấy thế nào nếu không từ sự đong đầy và thắp sáng của lớp lớp nông dân đi tìm và chinh phục miền sông nước, vùng rừng thông lạnh giá xa xưa… “Đong đầy và thắp sáng”, khác với trật tự của một lẽ thông thường là kết quả của biến không thành có, hoang vu thành trù phú, nghèo khó thành phồn vinh. Đong đầy kiến thức và nguồn lực cho nông dân thỏa sức làm giàu hoặc bình yên và no đủ.

Thắp sáng là khơi nguồn sáng tạo, tận hiến của cá nhân cho cộng đồng và Tổ quốc - cái chí lớn ấy, có khi bắt đầu từ việc dám rời đĩa xoài xanh, muối ớt hay chiếc ghế trong văn phòng lạnh để rồi cùng nghĩ, cùng bàn, cùng làm việc với nông dân - cũng giống như hành trình của hạt lúa nảy mầm - thức dậy - vươn xa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem