Gìn giữ kho thuốc quý vùng núi Thất Sơn

Trọng Bình Thứ sáu, ngày 30/10/2015 15:17 PM (GMT+7)
Trước thực trạng nguồn dược liệu vùng Thất Sơn (An Giang) ngày càng cạn kiệt, Chi cục Kiểm lâm (CCKL) An Giang đang tích cực triển khai nhiều phương án khôi phục lại vùng rừng dược liệu quý hiếm này.
Bình luận 0

Nguy cơ cạn kiệt dược liệu quý

Từng được mệnh danh là “kho thuốc núi” của miền Tây, nguồn dược liệu ở vùng núi Thất Sơn được biết đến từ lâu đời với số lượng dược liệu rất lớn và phong phú về chủng loại, như xuyên tâm liên, sâm ba kích, cà gai leo, hà thủ ô, mật nhân... Tuy nhiên, việc người dân khai thác tự phát và ồ ạt nhiều năm qua đã làm cạn kiệt nguồn dược liệu quý này, trong đó có cả những loại thuộc danh mục đỏ cây thuốc Việt Nam.

    

img

Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn người dân nhận khoán đất rừng trên núi Dài (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) trồng cây nghệ đen. (Ảnh: Trọng Bình)

Về thực trạng này, CCKL An Giang cho biết, hiện nay việc quản lý tình trạng khai thác dược liệu không đúng quy định rất khó do chưa có chế tài, cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành. Còn biện pháp hữu hiệu hiện nay mới chỉ là kêu gọi ý thức từ cộng đồng.

Ông Bành Thanh Hùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên CCKL An Giang cho biết, đa số những người sưu tầm dược liệu với thiện ý giúp cứu người, nhưng vì không có ý thức bảo tồn và không biết phương pháp khai thác nên đã làm cạn kiệt nguồn dược liệu đến mức báo động. “Trước tình hình này, chúng tôi đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền để “đánh động” ý thức người khai thác nguồn dược liệu ở vùng Bảy Núi. Ngoài ra chúng tôi còn hợp tác, tuyên truyền với đồng bào nhận khoán đất trồng rừng để nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn nguồn dược liệu” – ông Hùng thông tin.

Khoanh vùng quy hoạch cây thuốc quý

"Chúng tôi sẽ bố trí lại chợ dược liệu dưới chân núi để vừa phục vụ khách du lịch, tạo đầu ra cho người dân trồng dược liệu; vừa đáp ứng cho nhu cầu tầm dược, hạn chế tình trạng khai thác, tầm dược tràn lan hiện nay”.
Ông Trần Hiếu Thuận

Song song với việc kêu gọi người dân khai thác có ý thức các loại thảo dược ngoài thiên nhiên, CCKL An Giang cũng quy hoạch chi tiết những vùng trồng các loại dược liệu có tính chiến lược, trong đó chú trọng xây dựng “vườn cây dược liệu gia đình” trên cơ sở vườn dược liệu sẵn có của các hộ có truyền thống lâu đời trồng dược liệu. “Nguồn gen thuốc quý sẽ được bảo tồn theo hình thức vườn cây dược liệu gia đình để lưu truyền và phát triển những loại gen, giống cây dược liệu quý. Theo kế hoạch, các vườn dược liệu có diện tích khoảng 100ha, rải đều ở các núi” – ông Hùng cho biết thêm.

Cũng theo Sở NNPTNT An Giang, bước đầu trồng thử nghiệm cho thấy nhiều loại dược liệu quý đã thích nghi tốt ở một số vùng núi. Đặc biệt ở núi Cấm, các loại như sa nhân tím, đinh lăng, nghệ đen... đang phát triển tốt. Ông Trần Hiếu Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tịnh Biên cho biết: “Chúng tôi vừa triển khai trong dân dự án trồng thử nghiệm nghệ đen, có hợp đồng bao tiêu hoặc phương án lo đầu ra, sau đó nếu hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình với các loại thảo dược khác nằm trong danh mục quy hoạch của tỉnh”.

Ông Hùng cũng cho biết việc quy hoạch tái tạo rừng dược liệu Thất Sơn cũng đã hoạch định vùng cấm khai thác cây dược liệu thiên nhiên với tổng diện tích khoanh vùng trên 2.000ha. Theo đó, một số cây như thổ phục linh, dây chiều, hà thủ ô trắng… sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem