Nghị định số 18/2012 sẽ áp dụng từ ngày 1.1.2013. Mới đây Bộ Tài chính có bản dự thảo thông tư hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí để sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện để gửi các DN xem và đưa ra ý kiến.
Tuy nhiên, tại hội nghị góp ý do Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 22.11, dự thảo của Bộ Tài chính đã bị giới DN vận tải phản đối.
|
Việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ khiến hoạt động vận tải thêm khó khăn. |
Còn nhiều bất cập
Ông Đinh Nam Dinh - Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh nêu cụ thể: Điều 2 của bản dự thảo thông tư quy định về đối tượng chịu phí, trong đó có đối tượng là rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô. “Đây là quy định rất bất cập bởi 2 đối tượng này phải có đầu kéo mới lưu thông được, trong khi đầu kéo đã đóng phí rồi” - ông Dinh nói.
Điều 7 của bản dự thảo quy định về phương thức thu phí cũng được cho là chưa được linh hoạt, gây khó cho DN. Hiện nay việc đăng kiểm phương tiện được thực hiện đối với xe cơ giới là 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm… tùy theo xe đời cũ hay đời mới. Nếu phải đóng phí theo kỳ đăng kiểm theo quy định tại Điều 7 của dự thảo thì sẽ khiến DN phải đi vay 2 lần cho phương tiện hoạt động và hình thức này chẳng khác nào ép DN phải ứng tiền ra để đóng phí.
Ông Trần Duy Hiền - Tổng Thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận TP.Hồ Chí Minh, cho rằng mức phí trong dự thảo cao. Nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ thì sẽ đẩy giá vận tải lên cao nữa từ đó đẩy giá cả tiêu dùng càng tăng vọt. Cũng theo ông Hiền, các DN vẫn chưa thấy được tính hiệu quả của việc sử dụng phí nếu áp dụng thu. Trong Điều 8 của bản dự thảo thông tư này quy định rất sơ sài, không ghi cụ thể khoản phí bảo trì đường bộ này sẽ sử dụng như thế nào, DN chưa tin tưởng vào việc sử dụng nguồn quỹ này và liệu khi thu rồi chất lượng công trình đường bộ có tốt hơn không.
Gánh nặng đầu năm 2013
Ông Trần Ngọc Thọ - Giám đốc Công ty Vận tải Trung Việt cho rằng, hiện nay mạng lưới trạm thu phí dày đặc, các khoản phí lưu thông đường bộ đang là gánh nặng cho DN. Điều đáng lưu ý là các khoản phí qua trạm thu phí BOT đã bao gồm phí bảo trì đường bộ, nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ nữa sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí.
Tương tự, đại diện một số DN vận tải cũng cho rằng việc thu phí bảo trì đường bộ trong thời điểm hiện nay là khó thực hiện. Bởi tình hình chung hiện nay việc hoạt động sản xuất của DN vô cùng khó khăn và dự báo trong năm 2013 tình hình vẫn chưa được cải thiện. Nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ sẽ có tác động tiêu cực lớn đến xã hội. Các DN vận tải là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng nhưng xét cho cùng người chịu phí này vẫn là người dân.
“Đến ngày 1.1.2013 Nghị định số 18 sẽ có hiệu lực, thời gian không còn nhiều nữa nên các ý kiến, nguyện vọng của DN cần phải nhanh chóng được chuyển đến Chính phủ xem xét để lùi thời hạn thu phí đến thời điểm thích hợp. Và trong khoảng thời gian này, Bộ Tài chính cũng như ban soạn thảo thông tư cần điều chỉnh, bổ sung một số điều của thông tư để phù hợp với thực tế” - ông Trần Viết Hòe - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ TP. Đà Nẵng nêu ý kiến.
Bà Lương Phạm Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận vận tải Công Thành (TP.HCM):
Công ty chúng tôi hiện có trên 100 đầu kéo, cùng khoảng 1.000 sơ mi rơ moóc, nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ thì mỗi tháng chúng tôi phải đóng phí là 1 tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Nếu tính phí theo dự thảo thì vô tình DN bị dồn vào chỗ chết. Do đó chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính nên xem xét lại dự thảo hướng dẫn thu phí, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của DN, không nên tách rời đầu kéo và sơ mi rơ moóc để tính phí.
Luật sư Thái Văn Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh:
Hình thức thu phí hàng năm trên đầu phương tiện giao thông theo chu kỳ đăng kiểm nếu áp dụng sẽ không đảm bảo tính công bằng. Bởi nếu thu theo hình thức này, các xe chạy ít hay chạy nhiều, hoặc xe không chạy, thậm chí xe bị hủy hoại do tai nạn, hoặc bị tạm giữ dưới 29 ngày... vẫn phải đóng phí. Bộ Tài chính nên xem xét không thu phí trên đầu phương tiện mà thay vào đó nên thu phí thông qua xăng dầu.
Hữu Ký
Vui lòng nhập nội dung bình luận.