Giới nghệ sĩ thương tiếc NSND Thế Anh – một tài năng điện ảnh lớn

Minh Thi Chủ nhật, ngày 29/09/2019 14:54 PM (GMT+7)
Hay tin NSND Thế Anh qua đời, giới nghệ sĩ, đạo diễn và khán giả bàng hoàng thương tiếc một tài năng của nền nghệ thuật điện ảnh.
Bình luận 0

Những ai từng say mê một thời phim “Em bé Hà Nội”, hẳn không quên vai tiểu đoàn trưởng pháo binh của NSND Thế Anh. Rồi nhân vật Trung úy Phương trong “Nổi gió”, Ba Duy trong “Mối tình đầu” từng làm chao đảo bao thế hệ khán giả.

Những vai diễn không thể nào quên

Đạo diễn Đào Bá Sơn nhìn nhận: “NSND Thế Anh tốt nghiệp khóa đầu tiên của khoa sân khấu, nhưng lại thành danh và khai phá tài năng rực rỡ từ điện ảnh. Ông là người nghiêm túc, hết mình về nghệ thuật, có tài và đặc biệt, hóa thân thành công vào rất nhiều nhân vật”.

img

Thế Anh vào vai để đời - Trung uy Phương trong Nổi gió.

Từng có dịp đóng kịch, đóng phim cùng  NSND Thế Anh, đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng  đóng góp của ông với lịch sử điện ảnh rất quan trọng, bằng hàng loạt vai diễn, mà khởi đầu là phim “Nổi gió”, “Mối tình đầu”, “Đường về quê mẹ”…

“Trong giai đoạn lịch sử ấy, ông đã ghi một dấu ấn rất rõ của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Những hình tượng  nhân vật ông đóng vào những năm tháng đó có một chất xúc tác trong xã hội rất mạnh mẽ, có sự lay chuyển trong các tầng lớp nhân dân. Trung úy Phương là vai rất hay của ông. Trong nghệ thuật, ông là người lao động nghiêm túc, rất cẩn thận, đào sâu và suy nghĩ rất kỹ về nhân vật. Và cũng là người luôn đặt lên mình khát vọng làm nghệ thuật tử tế, làm những bộ phim hay. Ông ra đi, dẫu biết là cuộc sống có sinh, có tử, mà sao tôi vẫn quá bùi ngùi, thương tiếc”, đạo diễn chia sẻ.

img

Thế Anh đóng cùng Lan Hương trong Em bé Hà Nội. Ảnh: T.L.

Đạo diễn Tường Phương xúc động chia sẻ: “Thế Anh là lớp đầu của những người làm điện ảnh Việt Nam, nên gây ấn tượng rất nhiều cho chúng tôi, thế hệ lớn lên ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập và thời kỳ mới giải phóng, đóng góp của Thế Anh trong vai trò nghệ sĩ rất lớn, giúp khán giả trong Nam hiểu thêm tư duy, cách suy nghĩ của giới trẻ miền Bắc, hiểu rõ hơn đất nước mình sau một thời gian bị chia cắt.

Sau này, tôi có may mắn làm ở hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, học hỏi rất nhiều ở các bậc đàn anh, trong đó có anh Thế Anh (dạo đó anh giữ vai trò phó đạo diễn một bộ phim).

img

Nghệ sĩ Thế Anh ngoài đời được đồng nghiệp thương mến.

Về nghề, tôi nể phục anh vì các vai diễn của anh dù là chính diện hay phản diện đều giúp người ta thấy rõ bộ mặt của con người hơn, của não trạng thời đại hơn”.

Một nhân cách tử tế, khao khát làm nghề

Đạo diễn Lê Văn Duy nhớ lại: “Lúc tôi làm giám đốc hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, Thế Anh là nghệ sĩ của hãng phim. Tôi rất quý anh, vì thời ở rừng, tôi đã xem hết phim anh đóng. Nhớ nhất vai Trung úy Phương mang tính chất phản chiến, hồi đó đã thấy anh có kiến thức rộng về vùng giải phóng, nên người dân trong này rất thích vai diễn đó. Sau này khi cộng tác với anh, tôi thường mời anh vào những vai sở trường là người trí thức, tìm ra cái chân cái thiện… trong cuộc sống. Thế Anh có người con trai rất đẹp trai, có khả năng diễn xuất, tiếc là không theo nghiệp của cha.

Ngoài đời anh giản dị, hòa đồng, lúc nào cũng tươi cười với anh em, chẳng bao giờ thấy anh cáu gắt. Với đàn em, anh luôn đàng hoàng, tử tế, hết lòng giúp đỡ, tinh thần phóng khoáng. Với đạo diễn, anh rất tôn trọng, luôn hỏi ý kiến. Tôi rất thích làm việc với những diễn viên chuyên nghiệp như vậy. Do phong cách như vậy, nên có những vai ác, anh vẫn thể hiện một cách chừng mực, ác một cách trí thức, nhẹ nhàng hơn vai của người khác…”.

img

Nghệ sĩ Thế Anh giản dị, hòa đồng với đồng nghiệp và hết lòng giúp đỡ đàn em.

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM không khỏi bùi ngùi: “Đối với NSND Thế Anh, ngoài  tư cách của một cán bộ hội, tôi cảm nhận anh là người anh rất chân tình, dễ thương, sôi nổi và trẻ trung. Chúng tôi có những chuyến đi công tác cùng nhau, nói chuyện đời, chuyện nghề và anh lúc nào cũng yêu quý, trân trọng khán giả,  giao lưu với họ rất bình dị. 

Trong nghề, anh là một tài năng lớn. Ấn tượng của tôi lúc bé là nhớ mãi nhân vật Trung úy Phương trong “Nổi gió”. Anh ra đi là một mất mát rất lớn trong giới điện ảnh.

Đặc biệt, Thế Anh có một thú sưu tầm áp phích phim VN và nước ngoài. Từ nhỏ, tôi được xem phim Nổi gió trong chiến khu, mà 3 lần xem đều không trọn vẹn vì xem nửa chừng đều có báo động máy bay. Tôi kể chuyện này với anh, anh cười sảng khoái, không ngờ lại có dịp gặp được cô bé mê điện ảnh trong rừng là tôi sau này”.

Theo bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, lễ viếng NSND Thế Anh bắt đầu từ ngày 1.10 tại Nhà tang lễ TP.HCM, di quan ngày 3.10.

Đẹp trai, thông minh, các vai diễn của NSND Thế Anh ít nhiều đều để lại dấu ấn chứ không mờ nhạt. Ông là thế hệ đầu tiên của khóa diễn viên sân khấu chính quy, cùng với  Trần Tiến, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... Trên sân khấu, Thế Anh để lại ấn tượng với những vai diễn như: Tên gián điệp Đức lịch lãm Stavinsky trong Nila - Cô bé đánh trống trận, bác sĩ Hải trong Đôi mắt, chàng thủy thủ Rubakov trong Chuông đồng hồ điện Kremlin, cố vấn Mỹ trong Anh Trỗi, sĩ quan tình báo trong Hoa anh túc và những vai khác trong Âm mưu và tình yêu, Khúc thứ ba bi tráng, Vụ án Eroxtrat, Đại đội trưởng của tôi, Othello, Bài ca Điện Biên, Người cha thô bạo, Hòn đảo thần Vệ Nữ...

Còn trong lĩnh vực điện ảnh, Thế Anh có hàng loạt vai diễn thành công như Ba Duy trong Mối tình đầu, Dư trong Đường về quê mẹ, tiểu đoàn trưởng pháo binh trong Em bé Hà Nội, rồi một loạt nhân vật khác trong Không nơi ẩn nấp, Ngày lễ Thánh, Lưu lạc và trở về Sam Sao, Tự thú trước bình minh, Hồi chuông màu da cam, Vụ án Hồ Con Rùa, Người trong cuộc, Vĩnh biệt chân trời cũ, Gánh xiếc rong, Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du...

Trong suốt sự nghiệp của mình, Thế Anh đóng hơn 60 bộ phim điện ảnh và phim truyền hình của cả miền Bắc lẫn miền Nam (sau 1975).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem