Giỡn mặt tử thần kiếm tiền tiêu Tết

Thứ năm, ngày 20/01/2011 07:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm hết Tết đến, nhiều người ngoại tỉnh đã đổ về Hà Nội kiếm tiền. Vì một cái Tết đủ đầy, không ít người trong số họ đã phải chọn những nghề nguy hiểm.
Bình luận 0

Mạo hiểm kiếm tiền Tết

img

Sơn nhà cao tầng trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội).

Những ngày này, người qua đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) không khỏi giật mình khi nhìn lên tòa nhà Grand Plaza. Trên ấy, vài thanh niên đang đung đưa bằng những chiếc dây thừng để lau kính. Mới nhìn qua đã thấy sự nguy hiểm trong công việc của họ: Lơ lửng giữa tầng cao, họ ngồi trên tấm ván được gắn vào hai chiếc dây thừng to miệt mài với công việc của mình trong thời tiết giá rét của mùa đông Hà Nội.

Trên nhiều toà nhà ở đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), một số thợ sơn cũng vắt vẻo trên những chiếc dây thừng. Bên người họ là một chiếc xô đựng sơn như chực rơi xuống.

Phải chờ rất muộn, tôi mới gặp được Nguyễn Văn Thắng - thợ sơn. Thắng cho biết, đã 6 năm rồi, cứ trước Tết độ hai tháng là Thắng lại từ Hải Hậu, Nam Định lên Hà Nội để sơn tường cho các nhà cao tầng cùng anh họ. Sở dĩ Thắng phải “bám” lấy Hà Nội trong những ngày cuối năm giá rét như thế này vì nghề thợ xây của Thắng ở quê thu nhập không đáng kể.

“Cái nghề này mặc dù nguy hiểm nhưng tiền công họ trả cao lắm, hơn 200 nghìn đồng/ngày. Làm đến đâu, người ta trả tiền đến đấy, làm tốt có thưởng thêm. Những năm tới, nếu không có gì thay đổi mình vẫn lên Hà Nội kiếm tiền tiêu Tết với nghề này” – Thắng bộc bạch.

Ngoài tiền sinh hoạt, chi tiêu, mỗi tháng Thắng gửi về cho vợ con tầm 2 – 3 triệu đồng, cao hơn nhiều so với tiền công làm thợ xây ở quê.

Đùa với tử thần

Trần Văn Xuân, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa cho biết, anh lên Hà Nội đã ngót chục năm. Trước đây, Xuân làm đủ thứ nghề, từ thợ xây đến đạp xích lô, xe ôm. Vì nhiều lý do, không nghề nào anh trụ được hơn 1 năm. Nhưng kể từ khi làm nghề lau kính cho những tòa nhà cao tầng, Xuân bám luôn nghề này để mưu sinh. Làm ở trên cao, không có bảo hộ nhưng Xuân vẫn… kệ vì “nghề nào nghiệp ấy, chết có số”.

Theo anh Nguyễn Trọng Khánh - cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm KHCN, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, mặc dù nghề lau kính, sơn tường có thu nhập tương đối khá đối với lao động phổ thông, nhưng để tuyển thợ cho nghề này không phải dễ. Phải chọn người có sức khỏe và gan dạ.

Cũng theo lời anh Khánh, có rất nhiều người sau khi tuyển vào làm được vài hôm đã bỏ vì sợ nguy hiểm. Không những thế, nhiều người rất khỏe mạnh nhưng khi leo lên những tòa nhà cao tầng lại có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn. Thấy thợ có biểu hiện như thế, quản lý phải lập tức đưa xuống và cho tạm dừng công việc.

Tâm sự về nghề, Nguyễn Viết Lân - bạn nghề của anh Xuân cho biết, công việc rất nguy hiểm vì làm trên cao mà không hề có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào. Không may có rủi ro gì thì chỉ có… trời cứu. Đó là chưa kể những hôm gió to, cả người và dây đều đung đưa trên cao. Lúc đó phải nhanh chóng tìm chỗ lồi ra trên tường để bám rồi ép chặt người vào mặt tường, đợi khi gió nhẹ để tiếp tục công việc.

“Biết là nguy hiểm nhưng thiếu việc vẫn phải làm. Tôi cũng chỉ mong chủ thầu chú ý hơn cho chúng tôi về bảo hộ lao động. Nói thì nói vậy, chúng tôi là thợ thời vụ nên muốn họ hỗ trợ bảo hộ lao động cũng khó lắm” – anh Xuân chia sẻ.

Đại diện Sở LĐ – TB&XH Hà Nội cho biết, vì mưu sinh nên nhiều lao động từ quê lên có thể nhận làm bất cứ công việc nguy hiểm nào. Tình trạng kiểm soát an toàn lao động cho người lao động trên tất cả các công trình là rất khó do lực lượng quá mỏng. Cách tốt nhất là người lao động phải yêu cầu các chế độ liên quan tới bảo hộ lao động, an toàn lao động. Nếu không đảm bảo an toàn thì kiên quyết từ chối làm việc.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem