Chị Ngọc bên cây bơ Pinkerton. Ảnh: D.Q
Thăm vườn bơ của gia đình anh Bùi Văn Chính, nhiều nông dân rất ngạc nhiên vì trên những gốc bơ khá to là vòm bơ thấp, tán xõa rộng và chi chít quả. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, vợ anh Chính cho hay, đây là vườn bơ ghép được 2 năm của gia đình. Chị cho biết: “Trước đây là vườn bơ cao sản nhà tôi trồng năm 2003, cây rất cao, cho trái năng suất tốt. Nhưng năm 2016, khi biết đến giống bơ Pinkerton, nhà tôi đã chặt bỏ tán cũ, ghép chồi bơ giống mới. Ghép trên cây khỏe nên năm 2017 chồi Pinkerton đã cho trái bói, năm nay cho trái khá rộ”. Ngoài trên chục cây bơ Pinkerton được ghép trên cây bơ trưởng thành, anh chị vừa xuống giống gần 7 ha bơ giống mới này với mục tiêu cung cấp cho thị trường những trái bơ chất lượng.
Chị Ngọc chia sẻ, ban đầu khi chặt vườn bơ ghép cao sản để ghép chồi bơ Pinkerton, mọi người xung quanh rất ngạc nhiên vì vườn bơ của anh chị cho trái đẹp và năng suất tốt. Khi cây bơ Pinkerton cho trái, vỏ trái khá sần sùi nên cũng không “bắt mắt”. Tuy nhiên, chứng kiến quá trình sinh trưởng của trái bơ Pinkerton, anh chị càng thêm tin tưởng vào giống bơ mới này. Chị Ngọc cho hay: “Gần như cây bơ Pinkerton có trái quanh năm, trên cây lúc nào cũng có trái già, trái non, hái một đợt trái là cây ra hoa liền. Đặc biệt nhất là trái già rồi nhưng có thể đậu trên cành rất lâu, tầm 2 tháng trái vẫn đẹp. Hái xuống thì có thể bảo quản 2 tuần từ khi chín, trái không dập nát, màu sắc vàng ươm, vị đậm đà hơn bơ thường, rất thơm và ngon”.
Anh Nguyễn Trung Thành, cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng, người gắn bó nhiều năm với cây bơ cho biết, bơ Pinkerton được đánh giá có lợi thế nhất trong những dòng bơ đang được trồng tại Việt Nam. Cây bơ Pinkerton có tán thấp, năng suất cây trưởng thành từ 1,5-2 tạ/cây/vụ. Có nguồn gốc từ Mỹ, bơ Pinkerton có vỏ trái dầy, dễ bảo quản trong quá trình vận chuyển. Điều quan trọng là bơ Pinkerton có khả năng “đeo” trái trên cây rất lâu, từ lúc ra hoa tới khi chín có thể tới 10, 11 tháng. Anh Thành nhận xét: “Điểm yếu của cây bơ Việt Nam vẫn là rộ mùa, không tiêu thụ kịp trái bơ chín sẽ hỏng rất nhanh và do đó, giá bơ cũng không ổn định. Bơ Pinkerton đáp ứng được nhu cầu có bơ quanh năm, trên cây lúc nào cũng có trái. Những nhà vườn làm du lịch có thể trồng bơ Pinkerton phục vụ du khách quanh năm rất hiệu quả”. Viện Eakmat Tây Nguyên hiện cũng đang nhân giống và khuyến khích nông dân canh tác giống bơ hiệu quả này. Anh Thành cũng cho biết, ở khu vực Bảo Lâm, Bảo Lộc, gia đình anh Bùi Văn Chính là hộ tiên phong trồng bơ Pinkerton với diện tích lớn và kỹ thuật trồng rất tốt, chăm sóc cây bơ theo hướng hữu cơ. Sau 2 vụ cho trái, từ kinh nghiệm của anh Chính cho thấy bơ Pinkerton thích hợp với thổ nhưỡng Lâm Đồng.
Anh Bùi Văn Chính cho biết, cây bơ Pinkerton dễ trồng, dễ chăm sóc. Khi đã có cây con được ghép từ gốc bơ thường và chồi Pinkerton đạt chuẩn, anh chị đào hố 60 cm x 60 cm, bỏ xuống hỗn hợp phân vi sinh và xuống giống. Bơ Pinkerton chịu hạn tốt nên chỉ khi nào trời không mưa quá lâu, tầm 1-2 tháng mới cần tưới. Bơ chịu được dốc và không ưa vùng đất ngập úng. Về chất lượng trái thì rất ngon, vàng, sáp, lượng dinh dưỡng cao nên đầu ra không phải là chuyện cần lo. Anh đang nhân giống để trồng tới gần 10 ha bơ Pinkerton với mục tiêu cung cấp bơ quanh năm cho thị trường và hướng tới xuất khẩu. Thay đổi hoàn toàn một giống bơ mới, vợ chồng anh chị Chính - Ngọc đang nuôi hy vọng vào giống bơ Pinkerton với mong mỏi nông dân có thêm một giống bơ mới để làm giàu.
Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.