Giống mía tím mập, giòn, ăn bao nhiêu không chán của dân Hoành Bồ

Bùi My Thứ ba, ngày 14/08/2018 13:35 PM (GMT+7)
Với kỹ thuật trồng đơn giản, hiệu quả kinh tế cao, cây mía tím đang dần trở thành một trong những sản phẩm thương hiệu của Hoành Bồ (Quảng Ninh) và giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống.
Bình luận 0

Nhắc đến huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, ngoài vùng trồng hoa truyền thống, ổi Đài Loan, rượu Bâu… thì sản phẩm thế mạnh của Hoành Bồ còn có mía tím Sơn Dương. Tuy cây mía tím được trồng ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Hòa Bình, Khánh Hòa, nhưng mía tím Sơn Dương (Hoành Bồ, Quảng Ninh) cũng đang dần trở thành thương hiệu được nhiều người ưa chuộng bởi chất lượng và hương vị đặc trưng.

img

Ruộng mía tím ở Sơn Dương, Hoành Bồ đang trong thời kỳ ra gióng

Đến thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ vào một ngày tháng 7, phóng viên Dân Việt thấy những cánh đồng mía tím trải dài bạt ngàn. Bởi mía tím đang trong thời kỳ ra gióng nên những cánh đồng mía đều có độ cao chỉ khoảng 1m.

Theo ông Bùi Xuân Hưng - Trưởng Phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Hoành Bồ, tổng diện tích mía tím hằng năm của huyện Hoành Bồ đạt khoảng 100 ha; trong đó diện tích mía tím được trồng ở xã Sơn Dương là lớn hơn cả, chiếm khoảng 70-80%. Thu nhập từ cây mía tím cũng đã cải thiện đáng kể đời sống của người dân.

Thu nhập của các hộ gia đình trồng cây mía tím khá cao, bình quân khoảng trên 100 triệu đồng/ha. Theo nhiều người dân xã Sơn Dương cho biết, mỗi sào mía tím, họ thu hoạch được từ 60-70 vác, mỗi vác 20 cây. Nếu mía đẹp, thân cây mập, họ có thể bán với giá 140-150.000 đồng/vác. Trừ hết các chi phí, người nông dân lãi từ 6-7 triệu đồng, còn trồng lúa thì chỉ lãi khoảng 1,5 triệu. Như vậy, so với trồng lúa, trồng mía tím thu lãi gấp 3-4 lần. Bởi vậy, cây mía tím được coi là một trong những cây trồng giảm nghèo hiệu quả cho người nông dân Hoành Bồ.

img

Mía tím có màu tím nho, mập, gióng ngắn, giòn và mềm hơn hơn các loại mía khác

Tại Quảng Ninh, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Quảng Yên... cũng trồng mía tím, nhưng mía tím Sơn Dương, Hoành Bồ vẫn có sự khác biệt. Theo kinh nghiệm của người trồng mía ở Sơn Dương, mía tím khác với mía thuốc đen hay mía vàng. Gióng của cây mía tím ngắn hơn, mập và có màu tím nho, khi ăn sẽ không có cảm giác rát lưỡi. Mặt khác, cây mía tím cũng chỉ dùng để ăn, không dùng để ép lấy nước hay làm đường. Do thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp mà cây mía tím Sơn Dương phát triển nhanh, đều, giòn, độ ngọt cao và đặc biệt thơm.

Chị Đỗ Thị Hằng – Phó Phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Hoành Bồ tự hào về cây mía tím Sơn Dương: “Hoành Bồ trồng nhiều mía tím, nhưng đa số trồng ở Sơn Dương. Mía tím cũng trồng nhiều ở Đầm Hà nhưng nó không ngon bằng ở đây, độ ngọt, độ mềm không bằng. Hoặc như mía tím của Thanh Hóa, tuy cùng giống mía tím nhưng gióng dài, ăn dai và không mềm, ngon bằng.”

img

 Tỉa lá cho cây mía là công việc quan trọng nhất để cây mía phát triển, hạn chế sâu bệnh và chống đổ ngã 

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, mà mía tím còn là loại cây có kỹ thuật trồng đơn giản, dễ chăm sóc. Bác Phạm Văn Qúy – trưởng thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ cho biết: “Mía tím khá dễ trồng, dễ chăm. Vào thời kỳ cây mía tím đang ra gióng như thế này, chỉ cần tưới nước, phân bón 1 lần/tháng. Công việc quan trọng nhất là tỉa lá. Phải tỉa lá, bóc bẹ thì cây mía mới ra gióng được. Nếu không bóc lá thì cây mía sẽ không lên được, mà nó sẽ ra rễ. Cây mía cứ tẽ ra 3-4 lá là phải bóc rồi. Ngoài ra, do mía tím giòn nên chịu gió kém, chúng tôi phải buộc dây, chống cọc để cây không bị đổ ngã.”

Cũng theo trưởng thôn Vườn Rậm, cây mía tím thu hoạch và bán rộn vào tháng 10, 11, sang tháng 12, bắt đầu trồng vụ mới. Tuy nhiên, trên cùng một diện tích đất, cây mía tím chỉ trồng 1 vụ/ năm, sau đó vụ kế sẽ trồng lúa hoặc trồng ngô. Bởi nếu trồng liên tiếp 2 vụ mía trên cùng một diện tích đất, cây mía sẽ không phát triển, thân cây bé, chất lượng kém.

Cây mía được trồng ở Sơn Dương, Hoành Bồ từ lâu đời, nhưng đó là giống mía trắng, năng suất và chất lượng thấp, hiệu quả kém. Từ những năm 1970, khi cây mía tím bắt đầu được trồng, người nông dân từ việc phải chở mía đi Quảng Yên và các địa phương khác để tiêu thụ, nay thương lái đến tận ruộng để thu mua. Cây mía tím không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân, đưa người dân thoát nghèo, mà còn trở thành thương hiệu đáng tự hào của Sơn Dương, Hoành Bồ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem