Giống ngựa của người dân miền núi phía Bắc có sử dụng làm kỵ binh Việt Nam được không?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 09/06/2020 12:30 PM (GMT+7)
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, có thể sử dụng giống ngựa trong nước như ngựa Bắc Hà hay ngựa ở các vùng của đồng bào miền núi đã quen thuộc địa bàn để phát triển lực lượng kỵ binh Việt Nam. Vậy giống ngựa nội địa Việt Nam có gì đặc biệt?
Bình luận 0
Giống ngựa của người dân miền núi phía Bắc có sử dụng làm kỵ binh Việt Nam được không? - Ảnh 1.

Đua ngựa ở Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Theo Vntravellive.

Theo Wikipedia, giống ngựa nội địa ở Việt Nam được nuôi phổ biến ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. 

Ngựa Việt thường là loại kiêm dụng, dùng vào việc thồ, kéo, cưỡi đặc biệt thường được dùng cho việc thồ hàng. Ngựa nội có tầm vóc và vóc dáng thấp nhỏ, chúng chỉ cao chừng 1,5m, bề cao vai khoảng 1,2m, ngựa trưởng thành có trọng lượng 150–170 kg. 

Ngựa Việt có kết cấu chưa cân đối như đầu hơi to, cổ hơi nằm ngang, ngực hơi lép, lưng hơi võng, bụng to, phình ra, đùi chưa phát triển, chân nhỏ, thế dứng của 2 chân chưa tốt nhất là chân sau. 

Chạy nhanh cũng chỉ khoảng 25–28 km/giờ, còn kém so với tốc độ ngựa đua trên thế giới.

Tuy nhiên, ngựa nội dai sức hơn một số giống ngựa nước ngoài, chịu kham khổ. Chúng có sức đề kháng cao, tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ chết vì bệnh thấp, sức khỏe dẻo dai, chịu được ăn uống kham khổ, không hề bị lở mồm long móng hay các dịch bệnh khác.

Với 3/4 diện tích đất đai là vùng rừng núi, trong đó nhiều nơi địa thế hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên từ lâu ngựa đã trở thành nhu cầu thiết yếu và gần gũi đối với nhân dân miền núi vùng cao, và trở thành vật nuôi quen thuộc đặc biệt là nòi ngựa Bắc Hà.

 Miền núi cũng là nơi cón nhiều đồi cỏ rộng rãi nên nhiều tỉnh miền núi đều có ngựa và từ lâu con ngựa đã gắn bó mật thiết với đời sống lao động và tinh thần cũng như cung cấp thực phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. 

Ở Bắc Hà, chú ngựa thồ là biểu tượng cho mỗi thanh niên bắt đầu lập nghiệp, ở riêng, xuống chợ mà dắt theo chú ngựa thồ mới thực sự là tự hào.

Giống ngựa của người dân miền núi phía Bắc có sử dụng làm kỵ binh Việt Nam được không? - Ảnh 2.

Với người dân vùng cao, ngựa là người bạn thân thiết của gia đình, là phương tiện giao thông quan trọng. Ảnh: I.T

Giống ngựa Việt Namđược cho là đã được nhập từ phương Bắc xuống. Nhìn chung đàn ngựa Việt Nam là các giống ngựa địa phương thuần chủng trừ một số rất ít ngựa gần các trại hoặc trạm truyền giống hồi thuộc Pháp có lai với ngựa Ả rập và một số ít ngựa ở các tỉnh biên giới Việt Nam, Trung Quốc có pha tạp ngựa Quảng Tây, ngựa Vân Nam.

 Người ta đã chọn lọc hình thành giống ngựa Việt Nam nuôi nhiều ở các tỉnh: Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, nuôi với số lượng ít hơn nhưng vẫn cần ở các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Bắc Giang... 

Hiện nay, giống ngựa Việt Nam được phân loại gồm ngựa bạch (ngựa bạch Việt Nam) và ngựa màu (những giống ngựa màu sắc còn lại).

Giống ngựa của người Mông là giống ngựa quen leo trèo núi đá. Ngựa vùng Đồng Văn – Mèo Vạc (Hà Giang) có nhiều loại, ngựa thồ, ngựa đua, ngựa chiến. 

Ở nơi địa thế hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên từ lâu ngựa trở thành thân thiết với từng gia đình người Mông, là đầu cơ nghiệp của họ.

 Ngựa của người Mông có tầm vóc nhỏ, sinh sản kém, nhưng lại chịu đựng kham khổ rất tốt và rất dễ nuôi. 

Giống ngựa Mông rất chịu khó thồ hàng tốt trên những đoạn đường dốc, gập ghềnh, chịu đi qua suối, leo đèo, chịu đi bất kể thời tiết nào.

Bên cạnh ngựa thồ, vùng cao núi đá Hà Giang có loại ngựa đua rất quý thân dài, mông to, bụng thon, ức nở, phi nước kiệu rất nhanh trên đường bằng, leo núi thiện nghệ, phi nhanh như cơn lốc. 

Ngựa là người bạn trong đời thường nhưng cũng là con vật thiêng trong đời sống tín ngưỡng người Mông. Ngựa là vật duy nhất hóa thân thành chiếc cáng đưa người chết về cõi vĩnh hằng. Ở Bắc Hà, Lào Cai, giải đua ngựa hàng năm thu hút hàng chục nghìn du khách tham gia.

Giống ngựa của người dân miền núi phía Bắc có sử dụng làm kỵ binh Việt Nam được không? - Ảnh 3.

Lực lượng Cảnh sát cơ động Kỵ binh diễu hành trên đường Độc Lập (quận Ba Đình, Hà Nội), tại khu vực trước Tòa nhà Quốc hội và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dân Việt.

 Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc phát triển lực lượng kỵ binh Việt Nam là mô hình lấy kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới.

Bộ Công an cũng đã có lực lượng kỵ binh khi còn công an nhân dân vũ trang (tiền thân Bộ đội biên phòng) thì chủ yếu là tuần tra biên giới ở những nơi không có đường xá, chủ yếu dùng ngựa đi tuần tra. Ngựa thì có thể đi được bất kể địa bàn nào, từ rừng núi đến có đường hay không có đường.

Theo Đại tướng Tô Lâm, hiện số lượng ngựa đang phát triển dần lên và sẽ tiếp tục nội địa, sử dụng giống ngựa trong nước như ngựa Bắc Hà hay ngựa ở các vùng của đồng bào miền núi đã quen thuộc địa bàn để phát triển lực lượng kỵ binh Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh Việt Nam sẽ phục vụ bất kể công việc gì, thậm chí là sử dụng trong lễ tân nhà nước, nghi thức quốc gia.

Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung được thành lập ngày 15/1/2020.

Bộ Công an thành lập đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh để huấn luyện và sử dụng ngựa trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Kỵ binh Việt Nam sử dụng giống ngựa có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt. Sự dẻo dai, ngoại hình phù hợp thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn...

Đặc biệt, giống ngựa này phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình rất phức tạp, khi các phương tiện ô tô, xe máy, phương tiện đặc chủng không thể cơ động bằng; tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn náu, lẩn trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới.

Đến nay, đã nhân giống được bốn ngựa con và tăng tổng số đàn ngựa lên 100 con. Đội kỵ binh Việt Nam đã thuần hóa, huấn luyện và làm chủ được 65/71 ngựa hoang dã, đảm bảo sức khỏe đàn ngựa trong giai đoạn nuôi thích nghi môi trường tại Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem