Giống vịt "tiến vua" ở Thanh Hóa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là giống vịt gì?

Hoài Thu - Hữu Dụng Thứ bảy, ngày 13/08/2022 12:11 PM (GMT+7)
Giống vịt Trạc Nhật ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) từng được biết đến như một đặc sản quý của xứ Thanh, sản vật "tiến vua" thời xưa. Hiện tại, vịt Trạc Nhật đang bị lai tạp, số lượng còn lại đếm trên đầu ngón tay, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Bình luận 0

Clip: Giống vịt quý Trạc Nhật ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Chúng tôi tìm đến xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa để tìm hiểu về giống vịt Trạc Nhật từng nổi tiếng một thời, như một đặc sản quý của xứ Thanh do mọi thông tin, hình ảnh về giống vịt này trên các công cụ tìm kiếm trên Internet hầu như không có.

Theo người dân địa phương, vịt Trạc Nhật là giống vịt bản địa có từ xưa của địa phương. Tuy nhiên, hiện chỉ còn một số hộ gia đình ở thôn Đự và thôn Trạc (xã Thành Thọ) còn nuôi tự phát giống vịt này với số lượng một vài đôi ít ỏi.

Đáng nói, các hộ gia đình nuôi chung vịt Trạc Nhật với vịt bầu và các giống vịt khác nên đã bị lai tạp, hiện chỉ là F2, F3 của giống vịt Trạc Nhật.

Giống vịt "tiến vua" ở Thanh Hóa đang đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là giống vịt nào? - Ảnh 2.

Giống vịt quý Trạc Nhật ở huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: HT

Nhiều thông tin từ UBND xã Thành Thọ cũng đề cập, tên giống vịt này được gọi theo địa danh của tổng Trạc Nhật trước kia, nay gồm các xã Thành An, Thành Thọ và Ngọc Trạo. Trước đây, giống vịt Trạc Nhật có mặt ở cả 3 xã trên nhưng hiện nay chỉ còn ở xã Thành Thọ.

Một trong những gia đình còn duy trì nuôi giống vịt bản địa quý hiếm này là ông Bùi Xuân Hòa ở thôn Đự (xã Thành Thọ). Hiện gia đình ông Hòa đang nuôi 5 con vịt Trạc Nhật, gồm 4 con mái và 1 con trống.

Ông Hòa cho biết, gia đình đã nuôi giống vịt này qua nhiều thế hệ, từ đời ông đến đời bố đều nuôi. Đây là giống vịt chân ngắn, cổ nhỏ, thịt thơm ngon và có vị ngọt đặc trưng.

Giống vịt "tiến vua" ở Thanh Hóa đang đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là giống vịt nào? - Ảnh 3.

Ông Bùi Xuân Hòa ở thôn Đự (xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) là một trong ít gia đình còn duy trì nuôi giống vịt Trạc Nhật. Ảnh: HT

Theo ông Hòa, xưa kia, cánh đồng của thôn có loại ốc hương màu đen, nhỏ như đầu ngón tay và nhiều rong rêu, chính là thức ăn cho vịt Trạc Nhật. Vịt được nuôi thả tự nhiên, ăn những loại thức ăn đặc trưng đã góp phần tạo nên chất lượng thịt thơm ngon của giống vịt này.

So với các giống vịt ngày nay, vịt Trạc Nhật có trọng lượng nhỏ hơn, con trống có thể đạt trọng lượng 2,5kg, còn con mái thường đạt từ 1,5 - 2kg. Lông vịt Trạc Nhật có màu xám, riêng con trống phần đầu có lông màu xanh đen, quanh cổ có một vòng xuyến màu trắng, lông cánh màu xanh đẹp mắt.

Nói thêm về sự khác biệt, ông Hòa cho biết, trứng vịt Trạc Nhật có kích thước to hơn vịt bầu, na ná như trứng ngan, đó cũng là lý do nhiều gia đình còn duy trì nuôi vì mục đích lấy trứng.

Giống vịt "tiến vua" ở Thanh Hóa đang đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là giống vịt nào? - Ảnh 4.

Theo ông Hòa, đây là giống vịt bản địa, thịt ăn có vị thơm ngon đặc trưng. Ảnh: HT

"Có nhiều người đến hỏi mua nhưng tôi không bán, bây giờ không phát triển thêm được thì thôi cũng cố giữ lấy giống, trước hết dùng làm thức ăn trong gia đình và hơn nữa tôi cũng muốn giữ lại giống vịt quý của ngày xưa", ông Hòa chia sẻ.

Một hộ khác ở thôn Đự (xã Thành Thọ) là gia đình bà Bùi Thị Dư cũng đang nuôi 4 con vịt Trạc Nhật. Bà Dư cho hay, bà chỉ nghĩ đơn giản rằng, do thịt ăn ngon nên mới duy trì nuôi nhốt một vài đôi, hàng ngày cho chúng ăn thức ăn là thân chuối trộn với cám.

Giống vịt "tiến vua" ở Thanh Hóa đang đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng là giống vịt nào? - Ảnh 5.

Vịt Trạc Nhật nặng khoảng 1,5 - 2,5kg, con mái có màu xám, con trống phần đầu có lông màu xanh đen, quanh cổ có một vòng xuyến màu trắng, lông cánh màu xanh đẹp mắt. Ảnh: HT

Ông Bùi Quốc Tự - Chủ tịch UBND xã Thành Thọ cho biết, trong thời gian qua, UBND xã đã cử cán bộ đến các hộ còn nuôi vịt Trạc Nhật để tuyên truyền đây là giống vật nuôi quý có nguy cơ tuyệt chủng, vận động người dân không giết thịt và nâng cao ý thức bảo vệ.

Tuy môi trường chăn thả tự nhiên không còn nhiều, nhưng hoàn toàn có thể khuyến khích các hộ gia đình phát triển các mô hình nuôi vịt Trạc Nhật trong vườn và ao nhà ở nhiều thôn của xã Thành Thọ và vùng lân cận.

Cũng theo ông Tự, để làm được điều đó, cần có sự quan tâm hỗ trợ từ phía huyện Thạch Thành, ngành nông nghiệp và các ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh để xác định nguồn gen, có kinh phí thực hiện bài bản, theo lộ trình. Khi tổng đàn lớn dần, có thể xây dựng sản phẩm vịt Trạc Nhật thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thậm chí đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, hay xây dựng nhãn hiệu để quảng bá trên thị trường.

Được biết, UBND huyện Thạch Thành cũng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đưa giống vịt Trạc Nhật vào danh mục của Đề án phát triển cây trồng, vật nuôi đặc trưng, sản phẩm lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025 để được hỗ trợ lập dự án khôi phục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem