Phải đối chứng mới tin
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu có 10 đội xây dựng cơ sở và 3 đội sản xuất đứng chân trên địa bàn 13 xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Tân Uyên.
|
Cán bộ, chiến sĩ Đội xây dựng cơ sở số 5, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu cung cấp rau cải giống cho bà con xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ (Lai Châu). |
Ông Nguyễn Trọng Toàn- Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bình, huyện Tam Đường vừa gặp chúng tôi đã phấn khởi cho biết: “Ngày cán bộ Đội xây dựng cơ sở số 12 chưa về, toàn xã có tới 67% hộ nghèo, hộ đói. Nhưng đến nay, tỷ lệ đó giảm xuống chỉ còn 30%. Nhiều nhà trong xã đã giàu lên nhờ mô hình trồng ngô, lúa, đậu tương, nuôi cá, chăn lợn”.
Kiểm chứng những điều ông Toàn nói, chúng tôi tìm đến Đội xây dựng cơ sở số 12. Doanh trại của đội tọa lạc trên sườn một quả đồi nhỏ. Xung quanh là vườn rau, giàn bí, ao cá, chuồng lợn được xây dựng và quy hoạch đẹp đẽ, mùa nào thức ấy. Như hiểu được những thắc mắc của chúng tôi, Thiếu tá Hà Mạnh Toản - Phó đội trưởng Đội xây dựng cơ sở số 12 cho biết: “Khu vực tăng gia sản xuất và cảnh quan môi trường của đơn vị chính là mô hình trình diễn để bà con trong xã đến tham quan, học tập và làm theo”.
Chúng tôi tới Đội xây dựng cơ sở số 6 đúng vào ngày các anh đang hướng dẫn bà con bản Co Sản, xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ về kỹ thuật trồng cây lúa nước. Mọi người chăm chú lắng nghe Trung tá Nguyễn Văn Thời - Phó đội trưởng Đội xây dựng cơ sở giải thích từng công đoạn. Trước đó, để có buổi hướng dẫn này, cán bộ, nhân viên Đội xây dựng cơ sở số 6 cũng đã trồng lúa đối chứng với dân. Ruộng lúa của bộ đội và ruộng lúa của bà con ở gần nhau. Hai ruộng lúa có diện tích tương đương, nhưng lúa của bộ đội cho năng suất cao hơn nhiều lần, vì thế bà con mới tin và nhờ bộ đội hướng dẫn.
Nói về những kinh nghiệm trong việc giúp bà con thoát nghèo trên địa bàn, Đại tá Bùi Văn Hinh - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh giải thích: “10 đội xây dựng cơ sở và 3 đội sản xuất của đơn vị đều chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xác định thế mạnh của từng vùng, rồi triển khai mô hình giúp bà con thoát nghèo theo 2 mô hình cơ bản là mô hình trình diễn và mô hình đối chứng. Chính nhờ các mô hình đó mà nhiều gia đình trên địa bàn đã có của ăn, của để”.
Vẫn khó đầu ra
Qua khảo sát và tìm hiểu của chúng tôi, các mô hình giúp dân xóa đói, giảm nghèo của bộ đội trên địa bàn tỉnh Lai Châu đem lại hiệu quả thiết thực. Chính nhờ các mô hình phát triển kinh tế phù hợp cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ, nhân viên các đội công tác cơ sở, mà những năm gần đây đồng bào ở Lai Châu đã từng bước thoát được đói, giảm được nghèo. Tuy nhiên, tính bền vững của mô hình này vẫn là điều trăn trở của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Nguyên nhân sự thiếu bền vững trong xóa đói, giảm nghèo của bà con ở Lai Châu chính là không có thị trường tiêu thụ sản phẩm và đường giao thông đi lại khó khăn nên hầu hết nông sản của bà con đều bị tư thương ép giá. Nếu ở thị xã Lai Châu, ngô hạt bán được 6.000 - 7.000 đồng/kg thì ở xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ, tư thương chỉ mua của bà con với giá 2.500 đồng/kg. Hoặc thảo quả khô ở thị xã Lai Châu giá 200.000 đồng/kg thì ở Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ giá bán chỉ đạt 40.000 đồng/kg...
Chính vì vậy dù các mô hình kinh tế giúp đồng bào xóa nghèo đem lại hiệu quả rất cao cũng không khuyến khích được bà con tích cực tham gia. Phần lớn, bà con chỉ làm một vụ, hoặc tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo tư tưởng cầm chừng, bảo đảm tự cung, tự cấp.
Từ năm 2005 đến nay, các đội xây dựng cơ sở và đội sản xuất thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân trồng mới hơn 100ha thảo quả, 120ha ngô lai năng suất cao, 80ha lúa nước, hơn 1.000ha cây ăn quả, cây lấy gỗ; xây mới hàng nghìn chuồng trại chăn nuôi, phát triển nhiều đàn gia súc, gia cầm... Từ đó, nhiều xã năm 1999 hộ đói nghèo chiếm hơn 90%, nhưng tới nay, con số đó giảm xuống chỉ còn 26%.
Từ năm 2005 đến nay, các đội xây dựng cơ sở và đội sản xuất thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân trồng mới hơn 100ha thảo quả, 120ha ngô lai năng suất cao, 80ha lúa nước, hơn 1.000ha cây ăn quả, cây lấy gỗ; xây mới hàng nghìn chuồng trại chăn nuôi, phát triển nhiều đàn gia súc, gia cầm...
Để tạo ra những mô hình phát triển kinh tế và vận động người dân làm theo đã là một thành công lớn của cán bộ, nhân viên các đội xây dựng cơ sở ở Lai Châu, nhưng nếu không tạo được thị trường tiêu thụ thì thật khó bảo đảm được sự phát triển ổn định và bền vững. Dù thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu hết sức coi trọng vấn đề này, nhưng cũng chỉ là những giải pháp mang tính tình thế.
Thực tế, trong việc bao tiêu sản phẩm, nhất là các sản phẩm của bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cần một cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua nông sản của bà con. Ví dụ, cần có những chính sách hỗ trợ về giá, hỗ trợ về chi phí vận chuyển, hoặc hỗ trợ về thuế...
Thậm chí, trên một phương diện nào đó, đối với các doanh nghiệp Nhà nước, hoặc khi cho phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp cần có các quy định ràng buộc. Bởi chỉ có một cơ chế phù hợp, đồng bộ, thì việc tạo ra mô hình phát triển kinh tế giúp bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xóa được đói, giảm được nghèo mới thực sự bền vững.
Mè Quang Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.