Giữ đất lúa, hướng ra biển

Thứ ba, ngày 22/05/2012 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mô hình tăng trưởng sẽ chuyển đổi từ phát triển chiều rộng sang giữa chiều rộng và chiều sâu; ưu tiên cho nông nghiệp và các ngành kinh tế biển...
Bình luận 0

Đây là một số điểm chính trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 21.5.

Từ rộng sang sâu và rộng hợp lý

Việc chuyển đổi mô hình từ rộng sang rộng và sâu hợp lý có vẻ như là bắt buộc khi mô hình rộng tràn lan đã “đến mức tới hạn” - chữ dùng trong báo cáo của Chính phủ. Mô hình này đang ngốn vốn tới mức không một ngân sách nào có thể chịu nổi, vừa làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng, cũng chính là nguyên nhân gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.

img
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ sáng 21.5.

Đề án, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ tạo ra một sự thay đổi cơ bản trong phân bổ nguồn lực. Một trong những trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế là làm cho các nguồn lực hiện có được sử dụng hiệu quả hơn, lao động có năng suất cao hơn và từ đó, năng lực cạnh tranh cũng được cải thiện hơn. Nhưng quan trọng nhất, có ý nghĩa cách mạng nhất là chuyện chia sẻ các nguồn lực sẽ phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng “theo tín hiệu của thị trường hoặc theo chỉ dẫn của các chính sách có liên quan”.

Nói đơn giản, nguồn lực sẽ được phân bổ và dịch chuyển từ những ngành, những chỗ thiếu hiệu quả, năng suất thấp sang khu vực có hiệu quả hơn, năng suất cao hơn. Theo tinh thần của đề án, nguồn lực này còn bao gồm cả nguồn lực con người, đất đai, tài nguyên.

Tuy nhiên, bản Đề án đúng hơn chỉ là “điều chỉnh” lại nguồn lực. Chẳng hạn, tương quan giữa khối doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sẽ khó thay đổi nhiều. Hội nghị T.Ư 5 vừa qua tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu của doanh nghiệp Nhà nước.

Còn trong Đề án, dù Chính phủ đề ra “Chương trình quốc gia về phát triển, nâng cao chất lượng các doanh nghiệp dân doanh”, theo đó sẽ hỗ trợ để nâng cao từ năng lực công nghệ, năng lực quản lý, hiệu lực quản trị, chất lượng sản phẩm đến chương trình kết nối, và “dùng hàng Việt”... tuy nhiên nguồn vốn có vẻ vẫn sẽ là những khó khăn trước mắt và lâu dài của khối doanh nghiệp dân doanh.

Cần giải pháp và chính sách mạnh mẽ

3,8 triệu ha lúa chắc chắn sẽ phải giữ. Và nông nghiệp - từng liên tục được coi là điểm tựa của nền kinh tế - cũng là một trong những định hướng ưu tiên phát triển.

Theo Đề án, nền kinh tế sẽ tập trung xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn công nghệ cao kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao như cà phê, chè, cao su, ca cao, hạt tiêu, hạt điều, cá da trơn, tôm và hải sản khác, lúa gạo, ngô, đậu tương. Những sản phẩm nông nghiệp nói trên sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển để tạo sức cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế... Từ đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.

Bên cạnh đó, những ngành kinh tế biển như hóa dầu, đóng tàu, dịch vụ logistics (vận tải hàng hóa, cảng biển, dịch vụ hải quan, kho bãi và bảo quản hàng hóa, dịch vụ phân phối…) cũng sẽ được ưu tiên để phát triển chiều sâu nhằm tạo năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đặt một câu hỏi rất lớn liên quan đến nguồn kinh phí. Theo Ủy ban Kinh tế, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của lĩnh vực nông nghiệp từ mức hiện nay chiếm 20,6% GDP xuống 15% GDP được nêu trong Đề án là khó khả thi.

Điều này liên quan đến một thống kê không hề tình cờ: Tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp cả giai đoạn 2005-2010 chỉ giảm 0,1%. Hơn nữa, cũng chưa hề rõ về nguồn lực tài chính để thực hiện việc chuyển dịch.

Ủy ban Kinh tế cho biết, đa số ý kiến của thành viên uỷ ban cho rằng cần có các giải pháp và chính sách mạnh mẽ có tính chất đột phá đối với đổi mới đầu tư công, quan tâm đầu tư phát triển giống, nghiên cứu và khuyến khích chuyển giao khoa học, công nghệ. Hơn nữa, xét trên phạm vi toàn Đề án, cơ quan thẩm tra cũng đòi hỏi phải tính toán kỹ chi phí, nhất là trong điều kiện nguồn lực của đất nước hạn chế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem