Giữ “lộc trời” ở Vườn quốc gia Xuân Thủy

Thứ sáu, ngày 30/03/2012 12:55 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở Việt Nam, bất kỳ vườn quốc gia (VQG) nào cũng gặp mâu thuẫn giữa phát triển bền vững với nhu cầu sống của cư dân bản địa. Thế nhưng, ở VQG Xuân Thủy (Nam Định), người dân giàu lên nhờ giữ rừng...
Bình luận 0

VQG Xuân Thủy (diện tích 105.557ha) là nơi lưu trữ các sinh vật vùng đất ngập mặn đầu tiên của VN tham gia Công ước quốc tế RAMSAR (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế).

img
Anh Trịnh Văn Long bên chòi coi vây bãi nuôi ngao nhà mình ở vùng đệm VQG.

Giữ rừng, thành... tỷ phú

Anh Nguyễn Viết Cách - Giám đốc Vườn cho biết, diện tích VQG rộng lớn như vậy nên trong khu vực cấm cũng có nhiều người dân sinh sống. Họ được khai thác rừng, miễn là không làm hại đến lợi ích VQG. Cách đầu tiên là để người dân đầu tư khai thác bằng những thế mạnh của biển.

Chúng tôi khá bất ngờ khi vào thăm nhà anh Trịnh Văn Long, 47 tuổi. Ngôi nhà ba tầng, trang trí nội thất sang trọng không thua gì các đại gia ở Hà Nội. Hỏi chuyện làm giàu từ ngao, vợ chồng anh nói mới chỉ nuôi mấy năm nay.

Bảy tám năm trước, anh Long đi biển thu nhập bấp bênh. Chỉ đến khi đấu thầu được bãi bồi ngang 50m, chạy dài mãi ra biển 300m, với 25ha được nhận từ trước do xã giao mới giàu lên được. Mua ngao giống trắng từ Bến Tre, chở máy bay ra (18.000 đồng/kg), mua lưới vây, thuê người giữ vây 3 triệu/tháng.

Tính mọi chi phí, nếu bỏ ra 1 tỷ thì lãi được 2 tỷ/ năm, bỏ ra 2 tỷ lãi 4 tỷ. Anh Long chỉ là loại nhà giàu trung bình. Nhiều người nuôi ngao ở đây còn mua được đất, làm nhà trên Hà Nội.

Chúng tôi ra bãi ngao giống của anh Long. Ông Đinh Ngọc Lân, 57 tuổi, người xã Giao Thanh, nhận trông coi đầm, lương 3 triệu/tháng. Lội ra mãi bãi bồi, leo lên chòi canh của anh Nguyễn Văn Vương, coi vây (lưới vây diện tích nuôi ngao) cho anh Long từ năm 2009 cũng 3 triệu/ tháng. Ban ngày, cũng có chuyện chòi nọ canh thay cho chòi kia. Ban đêm thì chòi nào ở chòi ấy, chỉ có sóng biển dưới kia và chiếc máy thu thanh làm bạn.

Anh Long có 6 chòi coi vây thế này. Đứng trên căn chòi rung rinh, nhìn ra biển xa tít tắp, những cái chòi chỉ nhỏ nhoi như những con nhện nước. Ngoài ấy, tiếng máy nổ bơm nước xối cho trôi hết cát bùn để lộ ra những con ngao trắng, trông thật thích mắt. Năm ngoái, anh Long thu hoạch 400 tấn, lãi 2 tỷ. Ngao thịt vùng này đều bán cho ba nhà thu mua, để họ chuyển lên Hà Nội. Có đăng ký thương hiệu, có mã vạch hẳn hoi.

Anh Nguyễn Viết Cách kể, người dân được đấu thầu để nuôi trồng, khai thác hải sản có kiểm tra, giám sát trong vùng chuyển tiếp, vùng đệm và với mức độ rất giới hạn ở vùng lõi. Chính họ đảm trách vai trò chủ rừng ngập mặn, tham gia cùng với VQG tuần tra, kiểm soát. Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn hoạt động nông nghiệp sinh thái tổng hợp theo mô hình VAC (vườn, ao, chuồng), còn nuôi ong, trồng nấm rơm; nhờ thế vừa đảm bảo được lợi ích trước mắt của bà con, nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích lâu dài của VQG, giờ đây đã là lợi ích của cả hành tinh.

Những “tấm áo” của rừng

Dẫn chúng tôi đi ra phía rừng ngập mặn, anh Cách kể, nước biển, sóng biển có sức công phá cả những con đê được kè đá, cạp bằng những tấm bê tông dày (mà đắt kinh khủng: 38 tỷ đồng cho 1 km, thời giá năm 2005, giờ thì giá đội lên cả trăm tỷ rồi), nhưng cũng chỉ chịu được bão cấp 10. Nếu có rừng ngập mặn thì tùy theo chiều rộng của những đai rừng ngập mặn mà nó có thể giảm được 50 – 70% năng lượng sóng. Vì vậy mà VQG Xuân Thuỷ càng có giá trị đặc biệt. Với 3.100ha rừng ngập mặn của riêng huyện Giao Thủy chắn cho 10,5km đê đã có giá trị phòng hộ ước tính 2 tỷ đồng/ năm.

Tuy nhiên, việc trồng rừng ngập mặn đòi hỏi phải tỉ mỉ, phải kiên nhẫn, phải được bàn tay của mọi người trong cộng đồng địa phương trồng, bảo vệ và mất nhiều năm mới thành rừng, tùy từng loại cây – nhanh thì 2 - 3 năm, chậm thì 5 – 7 năm mới khép tán. Nó là bức tường xanh, lá chắn xanh bảo vệ đê biển, ngăn bão biển, sóng thần… Nó là nguồn lợi ích vô tận cho đời sống dân cư ven biển: Nơi trú ngụ, sinh sản của muôn loài thủy hải sản.

VQG Xuân Thủy có khoảng 500 loại động, thực vật thủy sinh có giá trị kinh tế cao như cá heo, cá đầu ông sư, cá tráp, tôm, cua, ngao, trai, sò... Có 111 loài thực vật nổi, quý nhất là rong câu chỉ vàng... Trong tán rừng là hơn 220 loài chim, có những loài quý hiếm trong Sách đỏ quốc tế...

Xe chúng tôi về Xuân Thủy vào sáng sớm đúng lúc gặp các chị chở hàng đi chợ. Xe máy nào cũng chở theo sau một thùng xốp đựng nước đá để ướp lạnh hải sản. Tôm sú, tôm rảo, cua rèm vừa mới bắt trong đêm còn nhảy tanh tách, cua bò nghềnh ngàng, ngang phè. Chị Trần Thị Mận (xóm 2, xã Giao An) 51 tuổi, có tới 4 con, vừa nhoài người bắt mấy con cua định chạy trốn cười giấu mặt khi chúng tôi chụp ảnh. Chị Sáng có một rổ tôm đầy, nhờ trúng thầu 5ha sử dụng trong 5 năm, nộp cho xã 1,5 triệu/ha/năm.

Điều đáng mừng là vùng đệm được sử dụng khai thác như thế, hiệu quả như thế, vùng lõi VQG cũng cho bà con được vào khai thác có giới hạn: Chỉ được bắt tôm, cua, cá (nhất là cá bớp, cá nhệch rất có giá trên thị trường), không được lấy củi, chặt phá rừng, chỉ được khai thác ngao giống từ tháng 4 đến tháng 7. Thu nhập mỗi người cũng được vài trăm ngàn/ngày. Công lao động giản đơn ở Giao Xuân cũng cỡ 150 – 200 ngàn/ngày. Giữa VQG và bà con nông dân có một quy chế hẳn hoi, có cam kết hẳn hoi. Các nơi, VQG còn phải trả thù lao cho dân, ở Xuân Thủy, VQG còn thu được lệ phí từ dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem