Nước sinh hoạt là từ rừng ra đấy
Sau trận mưa lũ với cường độ rất lớn xảy ra ngày 25.6 vừa qua, nguồn nước sạch ở TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) bị cắt vài ngày làm người dân xôn xao, lo lắng. Trong cái sự xôn xao ấy, câu chuyện về khoanh nuôi bảo vệ, phát triển vốn rừng lại được đặt ra một cách sôi nổi hơn và nghiêm túc hơn.
Canh tác tốt trên đất nương hiện có là một giải pháp cải thiện đời sống, thiết thực góp phần bảo vệ vốn rừng ở TP.Sơn La. Ảnh: Kiều thiện
Đến với Chiềng Ngần - một trong những xã giàu vốn rừng nhất của TP.Sơn La thì khu vực bản Nậm Tròn trong xã là một trọng điểm rừng. Hơn 10 năm trước, khi nhiều hộ đồng bào Mông từ nhiều địa bàn khác di cư về đây, nỗi lo mất rừng ở Nậm Tròn hiển hiện bởi đã là nông dân thì chỉ sống bằng nương rẫy, người Mông lại có một khả năng “phát nương từ đất rừng” rất nhanh và với diện tích lớn. Bởi thế nhiều người lo.
“Nhưng kiểm lâm và chính quyền, đoàn thể đã đến rất nhanh với chúng tôi để tư vấn, tuyên truyền, hỗ trợ về ổn định cuộc sống gắn với bảo vệ vốn rừng. Vì thế nên rừng ở đây vẫn được khoanh nuôi bảo vệ và phát triển tốt” – anh Thào A Dia- Trưởng bản Nậm Tròn bảo vậy.
Cũng theo anh Dia thì người Mông ở Nậm Tròn về đây trong nhiều năm liền luôn phải hứng chịu cái khổ về nước sạch. Nậm Tròn vốn cách xa trung tâm thành phố, lại mới thành lập, có ít dân nên nguồn nước sạch dẫn từ nhà máy nước về là rất khó. “Nhưng gần đây, thành phố đã giúp chúng tôi có bể chứa nước sinh hoạt tự chảy, hỗ trợ thêm máy bơm nước để có đủ áp lực dẫn nguồn nước về với từng hộ dân. Nhờ thế nên đời sống của bà con khá hơn hẳn, nhiều bệnh tật bị đẩy lùi, sức khỏe được cải thiện rõ rệt, nhất là với phụ nữ và trẻ em. Từ khi có hệ thống nước sinh hoạt này, chúng tôi càng bảo vệ rừng tốt hơn vì hiểu rõ: Nước sinh hoạt là từ rừng mà ra đấy” - anh Dia nói.
Nhiều nguồn lợi từ rừng
Quan điểm
Từ khi có hệ thống nước sinh hoạt này, chúng tôi càng bảo vệ rừng tốt hơn vì hiểu rõ: Nước sinh hoạt là từ rừng mà ra đấy.
Anh Nguyễn Văn Minh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP.Sơn La, cho biết: Thành phố có hơn 16.600ha rừng, tập trung tại 5 xã: Chiềng Ngần, Chiềng Cọ, Hua La, Chiềng Đen và Chiềng Xôm. Tất cả những diện tích này đều được hưởng chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng hàng năm nên bà con rất phấn khởi. Việc chi trả phí này không chỉ là nguồn động viên, hỗ trợ người dân bảo vệ rừng mà cũng góp phần “cởi trói” cho chính lực lượng kiểm lâm vì “có thực mới vực được đạo”. Cứ hô hào dân bảo vệ rừng mà chẳng có gì hỗ trợ họ khi họ đang đói nghèo thì hiệu quả làm sao mà cao được”.
Đến với nông dân các bản Hìn, Hùn, Hụn, Chiềng Yên... ở xã Chiềng Cọ, thấy những cánh rừng được khoanh nuôi bảo vệ, đang phát triển rất tốt. Anh Lò Văn Hặc - dân bản Hụn, bảo: Gần chục năm nay, tình trạng khai thác rừng bừa bãi, đốt nương không quản lý lửa, làm xâm hại rừng ở Chiềng Cọ hầu như không còn nữa. Kiểm lâm ở đây làm việc rất tích cực, qua lại kiểm tra rừng và tâm sự với bà con rất nhiều nên ai cũng hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc trồng và phát triển vốn rừng. Kiểm lâm còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đoàn thể, dân quân... để tuần tra canh gác, bảo vệ rừng.
Nhiều người dân kể với phóng viên: Nếu ai đó phá rừng thì không chỉ có kiểm lâm phạt, chính quyền xứ lý mà còn bị dân bản phê bình, nhắc nhở, điều chỉnh ngay. Sự điều chỉnh kịp thời ấy là bởi ai cũng đã hiểu: Giữ rừng không chỉ được nước sạch mà ăn, nước để sản xuất, tránh được bão lũ, có môi trường tốt… mà còn được hưởng cả phí môi trường rừng. Tuy số tiền hưởng từ nguồn phí ấy chưa cao nhưng cũng giúp cho dân nghèo nhiều lắm đấy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.