Khâm Thiên đổ nát
Trong 12 ngày đêm ác liệt Mỹ ném bom Hà Nội, trong guồng quay của kế hoạch đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá, ngoài khu quân sự, Mỹ còn cho B52 rải thảm xuống các bệnh viện, khu dân cư. Khâm Thiên ngày 26.12.1972 chìm trong biển lửa và sau một đêm trở thành đống đổ nát.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Hà Nội, Điện Biên Phủ!” ngay trong căn hầm trú ẩn đêm B52 rải thảm Hà Nội. Ảnh: I.T
"Khi nghe chữ Điện Biên Phủ tôi có cảm giác rất khác và ngay đêm hôm ấy, ngồi trong hầm tôi đã viết. Âm điệu ở đây không du dương mà quyết liệt, bởi tôi muốn tỏ cho đế quốc Mỹ biết Hà Nội quyết chiến...”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên
|
Nhiều người dân ở khu phố Khâm Thiên đến giờ vẫn hằn sâu ký ức đau buồn. Ông Nguyễn Văn Cầu (ngõ Sân Quần, Khâm Thiên) nhớ lại, chiều 26.12.1972, được tin báo địch có thể đánh Hà Nội nên trước khi đến nhà máy in Hà Nội Mới để làm việc, ông dặn vợ con nhớ xuống hầm. 22 giờ 45, còi báo động vang lên, ông được lệnh lên nhà số 75 Hàng Bồ, nơi có hai phân xưởng in của báo.
Đến nơi, ông Cầu thấy súng bắn bốn phía sáng lòa. Dứt đợt bom rơi, đài báo an, ông xin phép về nhà xem tình hình. "Đến đầu phố, lòng tôi rối bời khi thấy nhà cửa đổ nát. Chạy vội vào ngõ nhà mình, tôi thắt ruột khi mọi thứ tan tành. Căn hầm tập thể bị địch ném bom, nhiều trăm người chết không nguyên vẹn" - ông Cầu nghẹn giọng.
Trong số 41 người chết khi đang trú ẩn ở căn hầm ấy có vợ và con trai ông Cầu. Nhà chị gái ông mất hai người con, em trai ông là dân quân tự vệ cũng qua đời. Quá đau đớn vì một lúc mất đi 5 người thân, ông Cầu lao vào đống đổ nát bới tìm thi thể họ.
"Vợ tôi chỉ còn nửa người trên, con trai còn một cái chân, tôi nhận ra vì nó có cái sẹo bỏng xưa, còn em trai thì không tìm thấy. Tôi chỉ biết nhặt nhạnh phần còn lại của người thân cho vào túi nylon" - ông Cầu xót xa.
Ngay sau đó, thành phố cho người đem áo quan đến Khâm Thiên, hôm sau đưa người bị nạn xuống Văn Điển. Thi thể em trai Nguyễn Văn Vũ của ông Cầu đúng hai tháng sau mới được tìm thấy, đầu vẫn đội mũ cối gắn sao tự vệ.
Còn bà Nguyễn Thị Lan (Khâm Thiên) không thể quên giây phút trở về nhà từ nơi sơ tán. Các cán bộ Đại học Y - nơi chồng bà làm việc về tận quê đón bà nói là có việc gấp. Trên đường đi, họ cho bà hay ông qua đời vì đợt rải thảm của B52.
"Mặt phố Khâm Thiên đổ nát, có nhà bay hết tường, có nhà còn lại nham nhở. Tôi về đến ngõ Chợ nhưng không còn nhận ra đâu là nhà mình, vì tất cả chỉ còn là những hố bom, lổn nhổn gạch, đất" - bà Lan kể.
Giọng nghẹn ngào, bà cho Lan hay lúc ấy chồng bà vừa làm nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc về. Nếu không làm luận án tiến sĩ sớm, thời gian về nước đúng thời hạn của ông là tháng 1.1973. Hôm Mỹ ném bom, ông ở lại Hà Nội vì cơ quan nhận một số máy móc thiết bị mới. "Dưới những đợt mưa bom của B52, mẹ tôi, chồng và em gái đã chết vì sức ép của bom"- bà Lan đau xót.
40 năm trôi qua, từ những đống đổ nát, từ hố bom sâu, Khâm Thiên đã thay áo mới. Những nhà cao tầng mọc lên san sát, dấu tích tội ác của Mỹ chỉ còn lại ở đài tưởng niệm Khâm Thiên, ghi nhớ ngày giỗ chung của hàng trăm người dân nơi đây.
Bài ca chiến thắng
Ngay trong trận bom do B52 Mỹ trút xuống Hà Nội, trong căn hầm trú ẩn của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài ca “Hà Nội, Điện Biên Phủ!” của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ra đời và bay cao cùng những chiến công của quân và dân ta.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại: Đêm 26.12, bộ đội ta bắn rơi 8 chiếc B52. Từ Sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lời kêu gọi: “Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng chúng vẫn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội”.
Lời kêu gọi của Đại tướng đã tác động sâu sắc tới Phạm Tuyên, khiến người nhạc sĩ vô cùng xúc động. “Khi nghe chữ Điện Biên Phủ tôi có cảm giác rất khác và ngay đêm hôm ấy, ngồi trong hầm tôi đã viết. Âm điệu ở đây không du dương mà quyết liệt, bởi tôi muốn tỏ cho đế quốc Mỹ biết Hà Nội quyết chiến...”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc với cảm xúc tự nhiên tuôn trào khi ông chứng kiến Hà Nội rung chuyển dưới sự tàn phá của bom Mỹ, chứng kiến lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa. Tác phẩm như lời động viên tiếp sức cho chiến sĩ, đồng bào cả nước đứng lên, như lời khẳng định cho chiến thắng ắt sẽ đến của quân và dân ta.
Trong ca khúc âm hưởng lúc rắn rỏi, khi lại hào hùng, tha thiết: “B52 tan xác cháy sáng bầu trời/ Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi… Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì non nước riêng này. Phất ngọn cờ sao chính nghĩa”…
Với những gì mà quân và dân ta đã làm được trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, đến ngày 30.12.1972, Mỹ đã phải đơn phương tuyên bố chấm dứt ném bom Hà Nội và miền Bắc. Sự thất bại của Mỹ với quân bài chiến lược máy bay ném bom B52 là điều kiện tiên quyết cho ta giành thắng lợi trên bàn đàm phán ở Paris.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.