|
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng (phải) kiểm tra công tác khắc phục hậu quả môi trường và tiến độ vụ kiện Công ty Vedan ở Đồng Nai tháng 7-2010. |
Thay mặt người thiệt hại
Ngày 12- 9- 2008, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Bộ Công an và Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) bắt quả tang Công ty Vedan (Đồng Nai) thiết lập đường ống bí mật, xả thải trái phép ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm thiệt hại sản xuất của người nông dân.
LTS: Trong 80 năm hình thành, phát triển, tổ chức Hội Nông dân đã đồng hành, sát cánh với người nông dân trong bảo vệ, xây dựng Tổ quốc; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Giai đoạn hiện nay, vai trò của Hội lại càng thể hiện rõ hơn, nhất là trong bảo vệ quyền lợi cho nông dân khi bị xâm hại về môi trường, lợi ích kinh tế; làm bà đỡ để hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu; giúp người dân gia tăng tiếng nói và vị thế chính trị... Ở đâu, lúc nào vai trò của Hội Nông dân cũng được phát huy.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân, Hội Nông dân TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đã tổng hợp đơn, xác định giá trị thiệt hại, rồi gửi văn bản yêu cầu Vedan bồi thường thoả đáng cho người chịu thiệt hại.
Tuy nhiên, sau khi 3 địa phương có văn bản yêu cầu bồi thường số tiền 569,6 tỷ đồng, ngày 9 -4 - 2009 Vedan thông báo chí đồng ý hỗ trợ... 25 tỷ đồng (TP.HCM 7 tỷ, Bà Rịa-Vũng Tàu 6 tỷ, Đồng Nai 7 tỷ và 5 tỷ cho cho quỹ phúc lợi tại 3 địa phương).
Không thể chấp nhận mức hỗ trợ quá thấp so với thực tế thiệt hại, ngày 20- 8- 2009, 3 Hội Nông dân một lần nữa ký văn bản, ra tối hậu thư yêu cầu gặp, làm việc với Tổng Giám đốc Vedan.
Thế nhưng, tại cuộc họp vào cuối tháng 9- 2009, ông Yang Kun Hsiang - Tổng Giám đốc Vedan vẫn bảo lưu mức hỗ trợ 25 tỷ đồng. Ông nói, trên lưu vực sông Thị Vải có hàng loạt nhà máy xả thải gây ô nhiễm, chứ không riêng Vedan. Do đó, khi nào vùng ô nhiễm do Vedan gây thiệt hại được xác định trên cơ sở khoa học thì Vedan sẽ chấp nhận bồi thường...
Không đồng ý việc chối tội như vậy, tiếng nói của Hội Nông dân, đặc biệt là Hội Nông dân TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu lại vang lên. Hội vừa thuyết phục Vedan bằng tình, vừa đưa ra các chứng lý khoa học để buộc Vedan phải chấp nhận bồi thường. Tuy nhiên, một lần nữa lãnh đạo Vedan lại tìm kế hoãn binh...
Tối hậu thư của Hội
Luật sư Nguyễn Văn Hậu người được nông dân Cần Giờ, TP. HCM uỷ quyền kiện Vedan: Tiếp xúc với nông dân, hầu hết số người tôi gặp đều cho biết rất tin tưởng cán bộ Hội bởi từ trước họ cũng đã làm đơn nhưng chưa có ai đứng ra giúp họ. Tôi rất hãnh diện khi nghe nông dân bày tỏ sự yêu mến, tin tưởng đối với tổ chức Hội như vậy.
Theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên – Môi trường, tháng 12- 2009, Viện Môi trường và Tài nguyên (MT-TN) Đại học Quốc gia TP.HCM đã hoàn thành kết quả đánh giá tác động gây ô nhiễm trên sông Thị Vải, xác định vùng bị thiệt hại, mức độ thiệt hại mà Vedan phải chịu trách nhiệm.
Sau khi có kết quả này, TP.HCM yêu cầu bồi thường 839 hộ ở huyện Cần Giờ 45,7 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu bồi thường cho 1.255 hộ ở huyện Tân Thành 53,6 tỷ đồng. Có được chứng lý khoa học rõ ràng, Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo cụ thể cho Hội Nông dân 3 địa phương phải quyết liệt đấu tranh yêu cầu Vedan bồi thường thoả đáng, đúng giá trị thiệt hại do Vedan gây ra...
Ngày 28 - 7 - 2010 Vedan đồng loạt nâng mức hỗ trợ cho Đồng Nai: 60 tỷ, Bà Rịa - Vũng Tàu: 40 tỷ và TP.HCM: 30 tỷ. Nhưng người nông dân không chịu, Hội Nông dân 3 tỉnh không chịu vì đó chưa phải là sự bồi thường thoả đáng. Vedan phải bồi thường, nếu không Hội sẽ kiện ra toà - Hội Nông dân ra tối hậu thư. Trước sự cương quyết của Hội, trong những ngày đầu tháng 8 - 2010, Vedan đã chấp nhận bồi thường 100% theo yêu cầu.
Chỗ dựa của nông dân
Kể lại quá trình bảo vệ nông dân trong vụ kiện Vedan, ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: “Kiện Vedan và buộc Vedan trả giá, bồi thường cho nông dân bị thiệt hại là cả một quá trình. Có lúc chúng tôi mềm mỏng, có lúc phải cương quyết; có lúc phải đốc thúc nhanh chóng cũng có lúc phải kiên trì, chậm rãi... Nói chung, nếu không vì nông dân, không vì một môi trường trong sạch thì chúng ta đã không thể thắng Vedan”.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cũng nhìn nhận: Hội tham gia giải quyết vụ Vedan trên tinh thần "bảo vệ lợi ích chính đáng" cho hội viên, nông dân mà không vì một lý do nào khác. Chính vì đó, lãnh đạo Vedan đã phải "tâm phục, khẩu phục" và chấp nhận bồi thường.
Cao Thuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.