Giúp người lao động

Thứ sáu, ngày 28/12/2012 13:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Câu chuyện của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh gặp khó khăn về tài chính, hàng ngàn lao động ở đây có nguy cơ mất việc đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Bình luận 0

500 tỷ đồng nợ huy động từ các cá nhân đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán, cùng với nó là các khoản nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tự nguyện lên đến 38,7 tỷ đồng. Đó là chưa kể các khoản nợ ngân hàng mà rất có thể cũng khó khăn trong việc trả lãi. Bức tranh hiện hữu của Công ty Mai Linh thật u ám, khiến người lao động của công ty cũng hoang mang, lo lắng.

Những cá nhân cho Công ty Mai Linh vay tiền càng lo lắng hơn. Nhiều người gom góp tiền tiết kiệm, tiền hưu trí gửi cho Công ty Mai Linh kiếm tiền lãi làm nguồn sinh sống. Một số khác là nhân viên, người lao động của công ty, góp tiền cho doanh nghiệp vay. Họ không phải là những nhà đầu tư lắm tiền nhiều của, số tiền tích lũy ít ỏi thay vì gửi tiết kiệm thì gửi cho ông Hồ Huy - Chủ tịch tập đoàn. Nếu như Công ty Mai Linh có mệnh hệ gì, những người này cũng khốn khổ.

Trong số 6.000 người có nguy cơ mất việc nếu như Công ty Mai Linh bán xe, đa số là người từ các vùng nông thôn vào TP.HCM kiếm sống. Họ là những người không có nghề, đi làm công nhân ở các nhà máy, sau đó học lái xe để chuyển sang làm tài xế taxi. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, để kiếm được một chỗ làm mới hoàn toàn không phải dễ, nhất là với số lượng tài xế mất việc một lúc lên tới vài ngàn người.

Có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải cứu Công ty Mai Linh để cứu hàng chục nghìn lao động. Nhưng câu hỏi đặt ra là ai cứu, nhà nước không thể bỏ tiền ra để cứu một doanh nghiệp, còn ngân hàng cũng không thể cho một doanh nghiệp vay khi doanh nghiệp này đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Trong sự sàng lọc nghiệt ngã của thương trường, đặc biệt là trong cơn suy thoái và khủng hoảng, sự sống sót tùy thuộc vào năng lực của từng doanh nghiệp.

Có sáng kiến đề xuất, Nhà nước không thể bỏ tiền ra cứu Công ty Mai Linh, nhưng có thể xem xét chính sách hỗ trợ vốn vay cho tài xế, để họ mua lại xe của công ty. Sau này, họ chạy xe taxi theo kiểu nhượng thương quyền, chỉ đóng phí dịch vụ điều hành hoạt động cho doanh nghiệp, không phải làm công ăn lương. Giải pháp này sẽ giúp cho doanh nghiệp có tiền trả bớt nợ, giải tỏa áp lực tài chính, và tài xế taxi vẫn giữ được việc làm. Đề xuất này rất đáng được nghiên cứu, tìm ra cách thực hiện hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem