Khi phát hiện, nông dân cần gặp cơ quan chức năng nào, cần khai báo và nộp “tang chứng vật chứng” ở đâu, Nhà nước cần quy định rõ ràng và thông báo cho mọi nông dân đều được biết.
Dù việc sản xuất phân bón giả ngày càng tinh vi và tinh… tướng nhưng khi đã dùng thì nông dân chắc chắn phát hiện ra. Khi nông dân phát hiện, Nhà nước phải truy tìm bằng được những cơ sở sản xuất phân bón giả để xử lý. Không thể chỉ dừng ở mức phạt tiền “nhẹ nhàng”, mà với hàng giả loại này, phải có khung hình phạt của tội danh hình sự, nghĩa là phạt tiền kèm phạt tù.
Một số công ty luật khuyên nông dân nên khởi kiện cơ sở sản xuất ra toà nếu mua phải vật tư nông nghiệp giả (trong đó có phân bón giả). Nhưng việc kiện cáo này hoàn toàn không thích hợp với nông dân, vì nó nhiêu khê và mất nhiều thời gian. Vậy nên, nhiều người nông dân khi vấp phải những nhiêu khê ấy, họ đành tặc lưỡi: Thôi, mình dại mua phải hàng giả thì đành chịu vậy! Kiện cáo lôi thôi cách rách lắm, mà biết có được gì không?
Tâm lý “bất đáo tụng đình” ấy của người nông dân, chúng ta cần phải hiểu. Vì thế, Nhà nước cần mạnh mẽ giúp nông dân trong việc lôi cổ những cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp giả - cả phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả - ra toà.
Nông dân là người trực tiếp bị hại chỉ có thể ra làm chứng. Một khi nhà nước đã quyết tâm trừ diệt nạn sản xuất hàng giả, thì không thiếu những chế tài để thực thi pháp luật về chống hàng giả. Vấn đề là khung hình phạt phải tương xứng với tội danh, hình phạt phải thực sự nghiêm khắc và phải khiến được những kẻ chuyên sản xuất hàng giả phải chùn tay. Đó cũng là một cách tích cực giúp đỡ nông dân sản xuất và cũng giúp nông dân càng có ý thức hơn về việc sản xuất những sản phẩm nông nghiệp sạch bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Đừng để nông dân sau khi mua phải phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật giả, để “lấy lại vốn” thì họ lại sản xuất những mặt hàng rau củ quả không bảo đảm chất lượng vệ sinh thực phẩm, khiến cái vòng luẩn quẩn từ hàng giả tới hàng giả cứ tiếp nối mãi.
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.