Giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, biến ruộng hoang thành cánh đồng tiền tỷ/ha

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 28/10/2023 07:08 AM (GMT+7)
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ là chủ trương được ngành nông nghiệp khuyến khích để nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ chủ trương này đã có nhiều cánh đồng sản xuất hiệu quả, cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ trên mỗi hecta.
Bình luận 0

Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, hiệu quả cao hơn 1,5 - 2 lần so với chỉ trồng lúa

Với mục đích hướng dẫn nông dân sử dụng quỹ đất một cách hợp lý, né tránh bất lợi thiên tai và thực hiện chủ yếu ở các tỉnh miền núi, ven biển miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, ngành khuyến nông đã tổ chức nhiều mô hình chuyển từ canh tác 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ lúa ăn chắc hoặc 2 vụ lúa 1 vụ màu. Đối với các tỉnh miền núi, chủ yếu thực hiện tăng vụ trên đất 1 vụ lúa. Các mô hình đều đã trở thành tập quán mới, được nông dân các địa phương tiếp thu và nhân rộng.

Những năm gần đây, các mô hình chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang phát triển cây màu, rau, hoa, cây ăn quả, mô hình chuyển đổi lúa – cá, tôm – lúa vùng đất trũng tại vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nở rộ. Bên cạnh đó, các mô hình trồng ngô, cây đậu đỗ trên đất 1 vụ (đất bỏ hóa vụ xuân) tại các tỉnh miền núi phía Bắc; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu đỗ, trồng cỏ tại các tỉnh miền Trung cũng đang tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, biến ruộng hoang thành cánh đồng tiền tỷ/ha  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá trong ruộng lúa ở huyện Phụng Hiệp, (tỉnh Hậu Giang), nông dân chỉ tốn chi phí mua lưới và mua cá giống; sản phẩm thu được là cá sạch, lúa sạch.

Từ hoạt động của khuyến nông, mô hình lúa – cá được mở rộng và đạt gần 200.000 ha, bình quân lợi nhuận 60 – 80 triệu đồng/ha. Diện tích canh tác mô hình tôm - lúa đạt hơn 200.000 ha, bình quân lợi nhuận 110 triệu đồng/ha/năm.

Cả nước hằng năm có trên 100.000ha chuyển đổi từ sản xuất lúa sang cây ăn quả, ngô, lạc, rau đậu các loại. Hiệu quả kinh tế của các mô hình cho thu nhập cao gấp 1,5 – 2,5 lần so với mô hình trồng lúa truyền thống.

Đối với từng loại cây trồng cũng có sự chuyển đổi rõ rệt về cơ cấu bộ giống và mùa vụ. Cụ thể là: Sử dụng giống cây trồng có thời gian sinh trưởng dài ngày sang các giống trung và ngắn ngày. Sản xuất lúa chuyển dịch từ các giống năng suất cao sang các giống lúa chất lượng phục vụ xuất khẩu. Đối với các cây trồng khác, tập trung theo hướng đa dạng hóa sản phẩm kết hợp với một số đặc tính chống chịu. Cơ cấu mùa vụ cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ nhằm mục đích tăng vụ và tăng hiệu quả sản xuất (các mô hình rau, cây ăn quả trái vụ).

Giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, biến ruộng hoang thành cánh đồng tiền tỷ/ha  - Ảnh 2.

Với mô hình trang trại nuôi gà đẻ trứng, nuôi cá, trồng bưởi da xanh, trồng dừa... trên vùng đất cát, ông Nguyễn Tấn Sáu- Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 ở Thừa Thiên Huế- có doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng. Ảnh: Trần Hòe

Các mô hình chuyển đổi vụ lúa xuân sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương) ở các tỉnh miền Bắc; phát triển sản xuất cây vụ Đông ở vùng đồng bằng sông Hồng, mô hình vườn – ao – chuồng… đã góp phần thay đổi phương thức, tập quán canh tác của người dân, giúp tăng thu nhập từ 25 – 30% so với các mô hình truyền thống, tạo niềm tin tuyệt đối của người nông dân về các chương trình khuyến nông.

Các mô hình khuyến nông về cây ngô đông, cây đậu đỗ (lạc, đậu tương), cây có củ (khoai lang, khoai tây), cây rau, hoa cho thu nhập bình quân gấp 1,5 – 2,0 lần so với sản xuất lúa, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu cho người nông dân. Đến nay, vụ Đông vẫn được xem là vụ sản xuất chính tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền Bắc.

Để triển khai hiệu quả các mô hình chuyển đổi, hệ thống khuyến nông đã phối hợp với các viện, trường xây dựng được đội ngũ đông đảo với hàng nghìn cán bộ kỹ thuật, chuyên gia nghiên cứu, chỉ đạo chọn tạo giống, giới thiệu giống mới và hoàn thiện quy trình canh tác cho cây trồng. 

Những mô hình sản xuất tiêu biểu được tổng kết, tuyên truyền qua các ấn phẩm khuyến nông và đài phát thanh, truyền hình. Nhiều kinh nghiệm sản xuất hay, quy trình sản xuất tiên tiến được chuyển giao, truyền đạt cho các cán bộ và người nông dân thông qua hệ thống cán bộ khuyến nông cả nước.

Các hoạt động khuyến nông đã góp phần tạo nên những phong trào phát triển sản xuất trong nông nghiệp như phong trào phát triển cây vụ Đông, phong trào "cánh đồng 50 triệu/ha", phong trào làm kinh tế VAC...

Giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, biến ruộng hoang thành cánh đồng tiền tỷ/ha  - Ảnh 4.

Người dân làng Phan, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) trồng dưa chuột không cần làm giàn, vừa tiết kiệm chi phí lại tăng năng suất, mỗi vụ đông thu về hàng tỷ đồng. Ảnh: Thắng Tình

Giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, biến ruộng hoang thành cánh đồng tiền tỷ/ha  - Ảnh 5.

Vụ đông năm 2022, toàn xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) trồng 12ha dưa chuột, chủ yếu tập trung ở làng Phan, giá trị kinh tế mang lại hơn 2 tỷ đồng mỗi vụ. Ảnh: Thắng Tình

Đẩy mạnh chương trình tái canh các cây trồng chủ lực

Mô hình tái canh cà phê do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai được đánh giá đã mang lại thành công lớn khi đưa bộ giống cà phê chọn tạo trong nước thay thế các giống cũ, năng suất kém. Theo đó, các mô hình khuyến nông tập trung tái canh cây cà phê già cỗi, năng suất chất lượng thấp đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần vào chương trình phát triển ngành cà phê bền vững. 

Nhiều mô hình chuyển đổi thành công như mô hình trồng xen canh cà phê dưới tán điều, cà phê - cây ăn quả (sầu riêng, bơ) - cây công nghiệp (hồ tiêu); ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới nước kết hợp bón phân cho cà phê…

Mô hình tái canh cây ăn quả, điều, hồ tiêu, cao su, chè, rau hoa, cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tập trung chuyển giao nhanh giống mới, giống đặc sản địa phương và kỹ thuật mới. Nhờ vậy, đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đặc trưng và gắn với thị trường. Điển hình là mô hình phát triển cây ăn quả tại Sơn La, hiện là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước và đứng thứ nhất miền Bắc.

Khuyến nông sát cánh cùng cánh đồng lớn

Được khởi xướng từ cuối những năm 2000 ở miền Bắc, sau đó lan rộng khắp các tỉnh/thành trên cả nước. Từ kết quả đạt được, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức lễ phát động xây dựng mô hình "Cánh đồng lớn" vào năm 2011 tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Mô hình cánh đồng mẫu lớn khi được thực hiện đại trà đã hoàn thành sứ mạng lịch sử để trở thành cụm từ mới là "cánh đồng lớn". Trên những cánh đồng này, cũng là địa bàn tốt nhất để khuyến nông áp dụng mô hình kỹ thuật thâm canh theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành trong sản xuất lúa gạo như: "3 giảm 3 tăng" hay "1 phải 5 giảm", cơ giới hoá gắn liên kết với cánh đồng mẫu, SRI, canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính. 

Nhiều địa phương đã xác định được những sản phẩm chủ lực để hình thành vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn. Các dự án trên đã đặt những nền móng quan trọng cho sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải. Đến nay, sức sống của những mô hình vẫn đang được nông dân áp dụng mở rộng…

Để mở rộng cánh đồng mẫu lớn, ngày 26/3/2011 tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã tổ chức lễ phát động xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn", trong đó chủ yếu tập trung ở các tỉnh ĐBSCL. Từ đây, phong trào liên kết, hình thành cánh đồng lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn với các tổ chức nông dân đã nở rộ ở hầu khắp các địa phương, là đòn bẩy hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác như các HTX, tổ hợp tác trong sản xuất. 

Những công nghệ mới cùng "Cánh đồng không dấu chân"

Từ nền tảng của phong trào cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện đẩy nhanh tỉ lệ cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp trên khắp cả nước, hệ thống khuyến nông đã chuyển giao và ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất, đặc biệt là các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển… góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ lao động thủ công sang ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. 

Từ năm 2010 đến năm 2021, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất đã tăng từ 75% lên 97%, khâu gieo trồng tăng từ 15% lên 65% và khâu thu hoạch tăng từ 15% lên 80%.

Giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, biến ruộng hoang thành cánh đồng tiền tỷ/ha  - Ảnh 6.

Nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập ở câu lạc bộ "đại điền" tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thu Trang

Hệ thống khuyến nông cả nước đã triển khai trên 30 dự án về cơ giới hóa. Các mô hình tiêu biểu như: cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa cánh đồng lớn; Ứng dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch; lò sấy lúa công suất 30 - 50 tấn/mẻ; ứng dụng mạ khay máy cấy; mô hình tưới nước SRI; mô hình phun sạ lúa;… và hình thành các Tổ dịch vụ. Phong trào ứng dụng cơ giới hóa đã góp phần tăng năng suất lao động từ 5 – 20 lần, khắc phục tình trạng thiếu lao động; giảm 20 – 30% chi phí sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiệu quả sản xuất của các mô hình tăng từ 15 - 40% so với sản xuất đại trà.

Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức lễ phát động ứng dụng cơ giới hoá ở vùng ĐBSCL, theo đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức chuỗi các sự kiện như lễ phát động, lễ ký kết giữa trung tâm khuyến nông các tỉnh, các doanh nghiệp thực hiện cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa và cánh đồng lớn.

Năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 với chủ đề "Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững". Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vinh dự được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao tổ chức sự kiện này. Sự kiện đã ghi dấu ấn lớn đối với du khách tham quan, các tổ chức quốc tế.

Thông qua các hoạt động của sự kiện đã giúp tạo cơ hội giao thương giữa các doanh nghiệp thương mại và sản xuất máy móc và thiết bị nông nghiệp công nghệ cao; người nông dân  được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cơ giới hoá, sản xuất lúa gạo bền vững, nâng cao nhận thức về cơ giới hoá, được tiếp cận với công nghệ, mô hình sản xuất lúa bền vững do các doanh nghiệp và tổ chức trong nước và Quốc tế giới thiệu (5.000 lượt nông dân được trao đổi chia sẻ, nâng cao năng lực về cơ giới hoá và chuyển đổi số).

Tích hợp đa giá trị, nâng tầm nông sản Việt

Được phát triển mạnh trong thập kỷ gần đây, nhiều mô hình sản xuất lúa, rau, cây ăn quả, cây công nghiệp đều gắn với chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP; GlobalGAP, tiêu chuẩn 4C, Rainforest; EU, tiêu chuẩn hữu cơ… Các dự án cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị và sự minh bạch của sản phẩm; từng bước giảm bớt tỷ lệ sử dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật... 

Đến nay, cả nước đã hình thành các vùng chuyên canh lớn như: Vùng lúa gạo phục vụ xuất khẩu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; vùng sản xuất cây ăn quả tại các tỉnh vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Nguyên; vùng cây ăn quả Sơn La; vùng thanh long Ninh Thuận; vùng sản xuất rau, hoa Đà Lạt, vùng sản xuất cà phê Tây Nguyên. Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu, hạt điều thứ nhất thế giới, xuất khẩu gạo, cà phê đứng thứ nhì thế giới; chiếm lĩnh và khẳng định vị trí trên thị trường thế giới về thanh long, hạt điều; có thứ hạng cao trong xuất khẩu cao su, chè... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem