Lý do là do cái tính sĩ diện và tự tôn của dân mình. Nhiều người ở nông thôn, mặc dù không có nghề gì trong tay, kể cả nghề nông, quanh năm ở nhà chỉ biết chăn trâu cắt cỏ hay nuôi vài con heo theo lối "bỏ ống", nhưng lại thấy “mất giá” khi ra thành phố làm ôsin vì quan niệm đi làm đầy tớ cho người ta.
Có thể ra thành phố làm gì đó, uốn tóc, gội đầu, bán vé số... nhưng người ta vẫn xúng xính áo đẹp về quê để mát mặt với bà con. Còn giúp việc nhà ư? Nếu có rủng rỉnh tiền cũng cố né, nói thác sang việc khác.
Người ta coi đi ở là nhục nhã cũng do từ phía chủ. Không phải xưa mà cả nay, khi ông bà chủ là những người có học hẳn hoi, những người còn khá trẻ mới có 1-2 đứa con nhỏ, vậy mà họ không hề có thứ văn hóa đối xử với người làm. Chỉ đến khi không ai có thể ở được với mình nữa hay đến dịp Tết khi người giúp việc bỏ hết về quê và "một đi không trở lại" mới tá hỏa tam tinh lên thì đã muộn. Chung quy lại, ngay chính các ông bà chủ người thành phố cũng không hề nghĩ giúp việc nhà là một nghề, phải đối xử với ô sin như mọi người lao động bình thường khác.
Cả hai, người giúp việc và người thuê, không ai có tính chuyên nghiệp. Người giúp việc cần đòi hỏi có hợp đồng lao động, thỏa thuận với nhau về lương thưởng, thưởng Tết, về công việc mình phải làm. Ô sin cũng là công dân và người lao động như ai khác. Họ cần được đối xử như với bất kỳ người lao động nào, họ cũng cần được nghỉ ngơi, xem TV, sách báo, viết thư cho bạn bè, gia đình và nếu thích và có tiền, họ đương nhiên có quyền dùng thời gian nghỉ trong ngày, trong tuần để đi chơi hay giải trí...
Hãy coi giúp việc nhà là một nghề. Cần có những khóa đào tạo kỹ năng làm ôsin ở nông thôn. Cơ quan LĐ-BH&XH cần để mắt tới và xây dựng thói quen làm hợp đồng lao động.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.