Gỡ điểm nghẽn giao thông tại TP.HCM sau sự cố đứt cáp cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh
Gỡ điểm nghẽn giao thông tại TP.HCM sau sự cố đứt cáp cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh
Hồng Trâm
Thứ sáu, ngày 11/11/2022 12:44 PM (GMT+7)
TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị lên phương án khơi thông đoạn đường nội bộ của hai dự án ven sông Sài Gòn để tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông sau sự cố đứt cáp cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Giao thông ùn tắc sự cố đứt cáp cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh
Hơn 1 tháng qua, sự cố đứt cáp cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh TP.HCM) đã khiến giao thông TP.HCM ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đó, từ ngày 29/9, TP.HCM đã cấm lưu thông trên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh nhằm bảo đảm an toàn giao thông phục vụ sửa chữa công trình sau sự cố 4 bó cáp dự ứng lực ngầm bị đứt. Bên cạnh đó, cuối tháng 10 vừa qua, các phương tiện bị cấm lưu thông dưới dạ cầu trong 3 ngày để phục vụ công tác kiểm định.
Việc thay đổi điều tiết giao thông tại cầu Nguyễn Hữu Cảnh đã khiến tình trạng ùn tắc tại khu vực trên gia tăng. Những ngày đầu TP.HCM cấm xe qua cầu đã xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ. Theo đó, hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau ùn ứ trên cầu Sài Gòn hướng về trung tâm thành phố do xung đột giao thông khi phong tỏa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để sửa chữa sự cố đứt cáp ngầm.
Ngoài ra, các tuyến đường xung quanh cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh cũng bị kẹt xe nghiêm trọng, giao thông rối loạn do nhiều người chưa nắm được thông tin cấm lưu thông qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Các phương tiện lưu thông trên đường Ung Văn Khiêm theo hướng từ bến xe Miền Đông đường Nguyễn Hữu Cảnh, cộng hưởng gây xung đột với dòng xe theo hướng từ cầu Thủ Thiêm 1, Nguyễn Hữu Cảnh, khu dân cư Vinhomes đến đường dưới dạ cầu Sài Gòn để di chuyển qua đường Điện Biên Phủ.
Anh Nguyễn Văn Cường (37 tuổi) chia sẻ: "Công ty tôi ở quận 1 nên trước đây tôi hay lưu thông qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để đi làm. Tuy nhiên, hiện nay cầu vượt cấm xe, các tuyến đường xung quanh thì kẹt xe kéo dài hàng giờ tôi bị trễ giờ".
Hiện tại, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đang tổ chức phương án phân luồng giao thông khu vực cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh như sau:
- Phân luồng từ xa: Đối với hướng đi xe ô tô: Cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ - quay đầu tại giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương (hoặc quay đầu tại vòng xoay Hàng Xanh) - Điện Biên Phủ - rẽ phải đường dân sinh dọc cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Hướng đi xe 2 bánh: Cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ - quay đầu tại ngã tư Hàng Xanh - Điện Biên Phủ - hẻm 602 Điện Biên Phủ (đường D1 nối dài) - Nguyễn Hữu Cảnh.
- Phân luồng khu vực dưới cầu: Cấm người và xe đi dưới dạ cầu nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Hạn chế ùn tắc bằng cách cải tạo đường quay đầu hiện hữu làm đường tạm cho hướng Nguyễn Hữu Cảnh ra xa lộ Hà Nội. Mở dải phân cách tại hẻm 602 Điện Biên Phủ (đường D1 nối dài) sang khu Vinhomes Tân Cảng thành ngã tư điều tiết bằng đèn tín hiệu.
Tìm giải pháp gỡ tắc nghẽn sau sự cố đứt cáp cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh
Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong quá trình thi công, sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp Công an, UBND quận Bình Thạnh và các đơn vị liên quan làm việc với chủ đầu tư dự án Saigon Pearl và dự án Vinhomes để có phương án tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế ùn tắc giao thông tại khu vực trong thời gian thi công, sửa chữa cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Hướng vào trung tâm thành phố từ khu vực này phải qua các đường nội bộ trong khu đô thị Vinhomes để ra đường Nguyễn Hữu Cảnh, chạy ngược đến dạ cầu vượt mới có chỗ quay xe đi vô trung tâm. Điều này gây áp lực giao thông trong đường nội bộ khu đô thị này và đường Điện Biên Phủ.
Từ khảo sát thực tế, phía Công an TP.HCM đã có báo cáo với UBND TP, nhận thấy khu vực hai dự án Vinhomes và dự án Saigon Pearl nằm liền kề nhau, có đoạn đường nội bộ chung nằm ven sông Sài Gòn ngăn cách bởi tường, rào chắn.
Nếu đoạn đường nội bộ của hai dự án được kết nối với nhau sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi tắt qua các đoạn đường nội bộ để ra điểm mở dải phân cách trên đường Nguyễn Hữu Cảnh rẽ trái về trung tâm thành phố.
Chuyên gia Võ Kim Cương đánh giá khi phá dỡ bức tường này, đường nội bộ hai dự án thông nhau sẽ giảm áp lực giao thông trên tuyến đường Điện Biên Phủ. Đường nội bộ ven sông Sài Gòn của 2 dự án Vinhomes Central Park và Saigon Pearl khi thông tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển về trung tâm thành phố.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hải -Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết Sở sẽ làm việc với Saigon Pearl và khu Vinhomes về việc tháo dỡ bức tường ngăn cách giữa hai khu dân cư để tăng cường khả năng lưu thông tại đây. Hiện tại, bức tường chắn đang do Saigon Pearl quản lý.
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), có tổng chiều dài 618,29 m; bề rộng toàn cầu là 12,7 m. Cầu được xây dựng vào năm 2001. Trụ cầu nhịp chính dài 55,5 m, dạng chân xiên bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đặt trên hệ cọc khoan nhồi. Trụ cầu nhịp dẫn bằng bê tông cốt thép đặt trên hệ cọc khoan nhồi.
Khoảng giữa tháng 9, cơ quan chức năng phát hiện cầu bị đứt cáp dự ứng lực ngầm, vị trí đứt có cống hộp 2x2 m của dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đi ngang qua (dự án này đã hoàn thành vào ngày 30/4/2021).
Ngay sau đó, cơ quan chức năng cấm xe tải, xe trên 16 chỗ lưu thông qua cầu. Đến ngày 29/9, sau khi cơ quan chức năng khảo sát, đo đạc các thông số của cầu thì ra quyết định cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu. Đến nay, tổng độ võng từ 17,4 cm đến 22,2 cm là lớn hơn nhiều so với độ võng cho phép. Với độ võng nêu trên, theo sơ đồ tính toán phần tử hữu hạn (như tư vấn báo cáo) thì chuyển vị ngang tương ứng là 7,2 cm, vượt quá chuyển vị cho phép (3,8 cm).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.