Chưa tương xứng với tiềm năng
Báo cáo về cơ hội đầu tư vào vùng Bắc Trung bộ, ông Trang Hiếu Dũng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, khu vực Bắc Trung bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế) có vị thế kinh tế - xã hội khá thuận lợi, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về cả đường sắt và đường bộ.
|
Ký kết dự án đầu tư khu công nghệ cao trồng hoa, củ, quả giữa Công ty cổ phần Lâm nghiệp tháng 5 Nghệ An với Công ty Green 2000 (Israel). |
Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực này còn có hệ thống sân bay (tại Vinh, Đồng Hới, Phú Bài), bến cảng (Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Thuận An...) được xây dựng khá hoàn chỉnh. Theo ông Dũng, giao thông thuận tiện là một trong những lợi thế đặc biệt của khu vực Bắc Trung bộ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, hiện nay các tiềm năng sẵn có đó vẫn chưa được phát huy. “Hiện nay mặc dù đã có một số dự án FDI và doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào chăn nuôi, mía đường, cà phê… nhưng nhìn chung hiệu quả còn rất thấp và chưa tương xứng với tiềm năng.
Nguyên nhân do vùng Bắc Trung bộ nằm ở vùng thiên tai khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ nên đầu tư nông nghiệp vào khu vực này gặp rủi ro rất lớn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chúng ta đang thiếu một chiến lược khuyến khích đầu tư dài hạn, nguồn lao động thiếu trình độ…” – ông Dũng nói.
Tháo gỡ nút thắt
“Các nhà đầu tư sẽ tìm được cơ hội cho mình khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở khu vực Bắc Trung bộ” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định tại diễn đàn. Theo Bộ trưởng, cùng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, gần đây, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được nhà nước ban hành, cũng sẽ tạo điều kiện để nông nghiệp, nông thôn Bắc Trung bộ có cơ hội bứt phá.
Nghị định 61/2010/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là ví dụ điển hình. Theo Nghị định này, có 28 lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư, bao gồm cả sản xuất, thương mại và hạ tầng phát triển nông thôn.
Tham luận tại diễn đàn, một số nhà đầu tư cho rằng, để đưa nền nông nghiệp nước nhà nói chung và nền nông nghiệp ở khu vực Bắc Trung bộ nói riêng phát triển, nhất thiết các nhà quản lý nông nghiệp phải xây dựng cho được một chiến lược phát triển dài hạn, đồng thời mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực này để tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
“Hiện quy hoạch phát triển cây cao su của chúng ta đã lạc hậu. Theo kế hoạch đến năm 2015 chúng ta phát triển 500.000ha cao su (trong đó khu vực Bắc Trung bộ là 50.000ha), tuy nhiên đến thời điểm này chúng ta đã phát triển tới 800.000ha (khu vực Bắc Trung bộ 100.000ha)” – ông Trần Ngọc Thuận – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam dẫn chứng.
Còn bà Thái Thị Hương - Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á cho rằng: “Nền nông nghiệp của chúng ta nhìn chung vẫn nằm ở mức “lạc hậu”, chưa chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao. Tôi đơn cử, nước ta là một nước nông nghiệp, tuy nhiên hàng năm chúng ta phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sữa. Nếu đầu tư công nghệ cao vào sản xuất sữa thì vấn đề trên hoàn toàn có thể xoá bỏ”.
Ký kết 3 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Tại diễn đàn các nhà đầu tư cũng đã xúc tiến ký kết với nhau 3 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gồm: Dự án đầu tư khu công nghệ cao trồng hoa, củ, quả giữa Công ty cổ phần Lâm nghiệp tháng 5 Nghệ An với Công ty Green 2000 (Israel); dự án liên doanh trồng ớt và ngô xuất khẩu giữa Công ty TNHH Nhất Linh Quảng Bình với Công ty Green World (Hàn Quốc) và dự án trồng cao su của Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) trồng 402ha tại Quảng Bình.
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.