Gỗ rừng nhuốm máu kiểm lâm

Hữu Danh Thứ tư, ngày 10/08/2016 20:08 PM (GMT+7)
Sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên vào ngày 20.6, vẫn có ít nhất một cán bộ kiểm lâm bị chém chết, nhiều người khác bị thương trong những vụ đâm chém khác nhau do lâm tặc gây ra...
Bình luận 0

Tối 8.8, trên báo Dân Việt, ông Lê Hồng Nhân - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cho biết: Trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực tiểu khu 244, 3 cán bộ của ban đã bị một số đối tượng nghi lâm tặc dùng hung khí tấn công tại khu vực thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, Lâm Hà. Vụ tấn công làm ông Nguyễn Ái Tĩnh (49 tuổi) chết tại chỗ và anh Tân Khoa (21 tuổi) bị thương rất nặng, một cán bộ khác bị thương nhẹ.

Kể từ sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của người đứng đầu chính phủ, gỗ rừng vẫn bị triệt hạ, mâu thuẫn giữa lâm tặc và những người bảo vệ rừng - tất nhiên, ở những nơi cán bộ quyết tâm bảo vệ rừng - tăng cao hơn trước.

img

Nhà gỗ của một cán bộ thuế ở huyện Easup (Đăk Lăk). Ảnh: Hữu Danh

Vụ đâm chém khiến 3 cán bộ kiểm lâm thương vong vừa xảy ra không lạ. Gần đây nhất, thông tin trên báo Dân Việt, ngày 25.7 tại xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, Nghệ An, tổ công tác của ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống gồm 4 người, do ông Trần Đức Long làm tổ trưởng cũng bị đâm chém khi xử lý lâm tặc.

Trước đó, ngày 12.7, kiểm lâm viên Nguyễn Thà (trạm kiểm lâm Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cũng bị một lâm tặc hành hung ngay tại trạm. Một lâm tặc đã dùng dao xông thẳng vào chốt gác dùng những lời lẽ thóa mạ và vung dao chém vào lực lượng đang trực. Hậu quả, kiểm lâm viên Nguyễn Thà bị rách vết dài 10cm kéo từ tai đến mép miệng phía bên phải, phải nhập viện cấp cứu.

Mất rừng, dĩ nhiên trách nhiệm đầu tiên phải kể đến là lực lượng kiểm lâm, vì họ là người trực tiếp sống trong rừng, biết từng lâm tặc là ai. Nhưng để cán bộ kiểm lâm phải “bán mạng” để bảo vệ rừng trong khi nồi cơm của vợ con cũng như sức khỏe, tính mạng của họ chưa được bảo đảm cũng là điều cần phải suy nghĩ.

img

 Anh Phạm Văn Anh, kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm huyện Đăk G’Long bị “lâm tặc” đánh gãy tay. Ảnh: Dân Vệt

Câu chuyện kiểm lâm viên Vũ Xuân Hải - hy sinh khi chống lâm tặc tại Lâm Đồng, phải mất 16 tháng với đủ các thủ tục nhiêu khê mới được công nhận là liệt sỹ sẽ khiến nhiều cán bộ kiểm lâm cảm thấy chạnh lòng cho nghề nghiệp.

Hay câu chuyện cán bộ kiểm lâm ở Gia Lai, ngay trong tháng 6 vừa rồi, vì chống lại nhóm lâm tặc manh động, anh nổ súng tự vệ khiến một lâm tặc tử vong. Vì bảo vệ rừng mà vướng vào vòng lao lý, cũng sẽ khiến nhiều cán bộ kiểm lâm phải chùn tay trước lâm tặc.

Để bảo vệ rừng, đã có quá nhiều cán bộ kiểm lâm đổ máu. Và những món đồ gỗ xa xỉ tại nhà một số cán bộ mà báo chí nêu đã "nhuốm máu kiểm lâm".

img

 Lối đi bằng gỗ rất to dẫn vào nhà ông Trần Ngọc Quang - nguyên Chủ tịch UBND huyện Easup. Ảnh: Hữu Danh

Dư luận từng xôn xao khi khu nhà gỗ rất lớn của nguyên Chủ tịch UBND huyện EaSup (tỉnh Đắk Lắk) Trần Ngọc Quang lộ diện trên báo Dân Việt. Theo lời của chính ông Quang, thợ gỗ đã mất 3 năm để dựng lên căn nhà này. Cần nhớ, Easup là địa phương đang nổi như cồn trên bản đồ phá rừng của cả nước sau loạt phóng sự gây tranh cãi của VTV.

Và chỉ trong một thời gian ngắn, báo chí đã đưa độc giả tham quan hàng loạt nhà gỗ  từ nhà ở Nghệ An bằng gỗ hương trị giá hàng chục tỷ đồng; ở Điện Biên là nhà sàn 7 gian toàn bằng gỗ lim không thể định giá. Rồi khu nhà của nguyên Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh, đồ sộ và nhiều gỗ. Dọc Tây Nguyên, có nhiều cán bộ sử dụng gỗ lớn để làm nhà. Cần nhớ, hầu hết những căn nhà mà dư luận lên tiếng, đều nằm ở những khu vực mà rừng đang bị phá hoại mạnh nhất.

Chừng nào còn có những cán bộ mê sử dụng đồ gỗ, thì rừng sẽ bị tàn phá đến hết mới thôi.

Chừng nào còn có những cán bộ không nêu gương, gỗ rừng sẽ còn nhuốm máu kiểm lâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem