Gỡ “thẻ vàng” IUU: Nỗ lực trước “giờ G”

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 28/09/2019 07:00 AM (GMT+7)
Trong chuyến kiểm tra tình hình triển khai các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo (IUU) tại Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu trong 2 ngày 25 - 26/9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã yêu cầu các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục tồn tại.
Bình luận 0

Khó khăn trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Là một trong những tỉnh triển khai khá tốt công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, IUU, trong hơn 1 năm qua, không có trường hợp tàu cá nào của Tiền Giang bị nước ngoài bắt giữ do khai thác bất hợp pháp. Ý thức của ngư dân, thuyền trưởng tàu cá trong ghi chép nhật ký hành trình, khai báo nguồn gốc hải sản tại cảng càng được nâng cao. Công tác kiểm soát tàu ra vào cảng chặt chẽ hơn.

img

Các địa phương đang nỗ lực triển khai các biện pháp chống khai thác IUU. Ảnh:  T.L

Tỉnh Tiền Giang mới có 33/966 tàu (3,2%) có chiều dài từ 15 - 24m được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bà Rịa - Vũng Tàu có 245/2.913 tàu khai thác vùng khơi theo quy định đã lắp thiết bị giám sát hành trình, 790 tàu cá đã lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ NNPTNT, ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh khá khả quan với tốc độ tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng đạt trên 195.000 tấn.

Tuy nhiên, từ năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản giảm do thời tiết bất thường, cường độ khai thác tăng cao, nguồn lợi hải sản giảm...

Tuy đạt được nhiều kết quả trong chống khai thác IUU nhưng theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho đội tàu của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê, đội tàu đánh bắt hải sản của tỉnh Tiền Giang có 1.466 chiếc. Đến nay, chỉ có 33/966 tàu (3,2%) có chiều dài từ 15 - 24m được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong khi đó, theo quy định 595 tàu kéo lưới trong số này đến ngày 1/1/2020 phải lắp thiết bị giám sát hành trình, số còn lại hạn chót để hoàn tất là ngày 1/4/2020.

“Ngoài việc tuyên truyền chủ tàu, chúng tôi cũng vận động các doanh nghiệp cùng ổn định vùng nguyên liệu để có sự hợp pháp cho xuất khẩu. Về lắp đặt hành trình đối với tàu trên 24m, chúng tôi sẽ vận động hoàn thành 100%. Đối với tàu dưới 24m, chúng tôi vừa chỉ đạo vừa động viên, tuyên truyền nhưng cũng sẽ quyết liệt đối với những tàu có sai phạm để hoàn thành đúng hạn” - ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định.

Còn theo báo cáo của Sở NNPTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh có 5.870 tàu cá với tổng công suất 1,43 triệu CV. Tàu có chiều dài 15m trở lên hiện có 2.809 chiếc. Trong số 12 cảng cá trên địa bàn đã có 7 cảng được công bố đưa vào danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ hoạt động đánh bắt.

Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra, kiểm soát tổng cộng trên 7.000 lượt tàu ra vào cảng, thực hiện xác nhận nguồn gốc 866 bộ hồ sơ với hơn 33.000 tấn thủy sản. Việc ghi sổ nhật ký, cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác, triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá cũng được tỉnh triển khai ráo riết từ năm 2018 đến nay, với 245/2.913 tàu khai thác vùng khơi theo quy định đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra, đã có 790 tàu cá đã lắp thiết bị thông tin liên lạc định vị vệ tinh GPS.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Cường - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thừa nhận, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chống khai thác IUU như các tổ chức quản lý cảng cá và các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng có lập sổ sách, ghi chép biểu mẫu nhưng chưa hoàn chỉnh, còn thiếu sót...

Mạnh tay với vi phạm

Làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chỉ còn khoảng 3 tháng nữa Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” ngành thủy sản.

Do đó, các địa phương cần phải quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng khắc phục những tồn tại; cần thông tin tuyên truyền thường xuyên, lâu dài, hiểu và thực hành thật tốt đến ngư dân về Luật Thủy sản nhằm tạo sự đồng thuận trong ngư dân. Đồng thời, khai thác hiệu quả kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.

Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang sau khi kiểm tra cần xử lý triệt để các vấn đề còn tồn tại, đồng thời đề nghị Bà Rịa - Vũng cần huy động toàn bộ lực lượng chính trị vào cuộc, triển khai các biện pháp cụ thể nhằm khắc phục nhanh nhất khuyến nghị của EC đối với thủy sản nước ta. Tổng cục Thủy sản cần phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vấn đề lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình nhằm giám sát chặt chẽ hơn, đảm bảo minh bạch trong nguồn gốc thủy sản khai thác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem