Gốc của nhạc

Chủ nhật, ngày 10/10/2010 02:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tháng 10, cả nước đại hội, Đại lễ 1000 năm, hội nghị thi đua tưng bừng khắp nơi. Cờ đèn kèn trống vui như chưa bao giờ vui thế. Không có ngày nghỉ nhưng đi họp, đi hội cũng coi như đi làm, đi công tác, hoặc coi như đi chơi cũng thế thôi. Vui cả làng! Ti vi suốt ngày hát về Hà Nội.
Bình luận 0

Đùng một cái mấy hôm mưa tối trời. Miền Trung lại ngập, đổ nhà, chết người. Sợ hơn cả là nguy cơ vỡ đập thủy điện. Bà con ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đang leo lên mái nhà, nhai mì tôm sống vừa được cứu trợ. Nhưng có lẽ buồn nhất là vụ “giải cứu lao động khổ sai” ở Đăk Nông. Chuyện nông dân đi làm thuê vốn bình thường xưa nay.

Nhưng bị chủ “mang con bỏ chợ” mấy tháng không lương, có người bỏ trốn, người bỏ mạng vì sốt rét là chuyện không thể chấp nhận. Thời phong kiến đế quốc có chuyện đi phu, lao dịch gian khổ, bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc, tưởng đã qua lâu, ai ngờ nay vẫn còn cảnh bỏ xác trong rừng Đăk Nông(!). Đây không phải đi tìm vàng hoặc “ngậm ngải tìm trầm”.

Một dự án phát triển vùng nguyên liệu giấy hẳn hoi. Nhưng xí nghiệp nguyên liệu giấy lại ký hợp đồng cho chủ thầu. Chủ thầu về Quảng Nam “mộ phu” lên rừng trồng cây keo. Bà con nghe mức lương 1,8 - 2,1 triệu đồng/tháng là đi. Ở nhà làm ruộng kiếm đâu ra mỗi tháng... “một chai rượu ngoại” như vậy.

Lắm lúc Lý tôi nghĩ có lẽ bây giờ mang chuyện ngày xưa kiểu “ôn nghèo kể khổ” ra giáo dục lớp trẻ cũng phải dè dặt. Chỉ cần đọc báo thôi bọn trẻ sẽ (rất có thể) ngắt lời: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”, cứ gì ngày xưa, bây giờ có nhiều nơi, nhiều lúc khổ kém gì!

Thời nay còn có cổ tích buôn người, cổ tích làm dâu xứ người, cổ tích hành hạ kẻ làm thuê, cổ tích đào vàng chết vùi trong đất lở, cổ tích bắt trẻ con phơi nắng dầm mưa ăn xin, bắt bà già đi bán vé số, kể cả cổ tích bắt nguồn từ dự án phát triển kinh tế như vụ vào rừng trồng keo ở Đăk Nông... Thế mới thấm thía câu ca dao “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Trong những tháng ngày vui nói chuyện không vui liệu có “sai”? Cách đây hơn 500 năm có một người đã nói về vấn đề này. Lúc đó nước ta sau cơn binh lửa đã bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị. Nhân bàn về chuyện lễ nhạc (chuyện vui) ông đã nói: Cái gốc của nhạc là sao cho chốn thôn cùng xóm vắng không còn tiếng khóc than của phụ nữ và trẻ em. Người ấy là anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem