Góc khuất bóng chuyền Việt Nam (Kỳ 2): HLV ngoại & cảnh “cưỡi ngựa xem hoa”
Góc khuất bóng chuyền Việt Nam (Kỳ 2): HLV ngoại & cảnh “cưỡi ngựa xem hoa”
Nguyễn Thịnh
Thứ ba, ngày 30/06/2020 15:10 PM (GMT+7)
Sau thất bại ê chề của bóng chuyền nam ở SEA Games 30, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) tính thay đổi mạnh mẽ trên băng ghế chỉ đạo nhưng phương án này chưa chắc thu kết quả khả quan.
Hồi đầu tháng 6, ông Lê Trí Trường – tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tiết lộ, một chuyên gia người Trung Quốc được liên hệ để dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nam và thủ tục gần như hoàn tất. Trong khi đội tuyển nữ nhằm đến HLV người Cuba.
Thực tế việc tìm HLV ngoại được đặt ra từ lâu nhưng chưa thể thực hiện vì không tìm được người phù hợp. Bóng chuyền Việt Nam có nhiều điểm giống với bóng đá trước khi HLV Park Hang-seo lên nắm quyền: Loay hoay tìm hướng phát triển và luôn chấp nhận đứng sau người Thái.
Lịch sử bóng chuyền Việt Nam (cả nam và nữ) từng thuê không ít chuyên gia ngoại. Theo cựu HLV Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại: "Từ xưa đến nay, những chuyên gia có chuyên môn tốt, chất lượng tốt thì giúp đỡ bóng chuyền Việt Nam rất nhiều.
Thời kỳ đầu, trong những năm 80 thế kỷ trước, những chuyên gia Trung Quốc lớn tuổi, họ làm rất tốt. Họ hướng dẫn những kĩ thuật cơ bản nhất rất tốt như chuyền 1 rồi phòng thủ. Ngoài ra, chúng ta còn hợp tác với chuyên gia, HLV người Cuba và Nga".
Về sau này, bóng chuyền Việt Nam có nhiều lần hợp tác với HLV Trung Quốc như Vương Quân (2007), hay Vinh Hàn Viêm (người sau đó bị đột tử ở Việt Nam vì nhồi máu cơ tim năm 2014). Lần gần nhất năm 2017, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam thuê ông Hidehiro Irisawa, người Nhật Bản.
Khi ấy, Phó chủ tịch Trần Đức Phấn nói: "Việc thuê HLV Hidehiro Irisawa nằm trong kế hoạch hỗ trợ của thể thao Nhật Bản với Việt Nam để chuẩn bị cho Olympic Tokyo năm 2020. Mục tiêu là giúp bóng chuyền nữ Việt Nam giữ vững vị trí thứ 5 châu Á. Bắt đầu từ năm 2017 bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ có nhiều kế hoạch đi tập huấn, thi đấu ở những quốc gia phát triển".
Ông Irisawa được giới chuyên môn, HLV kì cựu Việt Nam cho rằng đó là người giỏi và rất có tâm với nghề. Ông lập tức giúp U23 Việt Nam giành huy chương đồng châu lục, thế nhưng ngày trước thềm VTV Cup 2017, ông bỏ ghế HLV trưởng và về nước.
Lùm xùm nằm ở việc có quá nhiều bất cập từ đội ngũ trợ lý HLV, VĐV, sự chi phối của nhiều phía khiến ông thầy người Nhật không thể đưa ra danh sách đội hình hoàn thiện theo mong muốn. Cách làm của Liên đoàn bóng chuyền có quá nhiều thứ mập mờ, thậm chí có thông tin hợp đồng giữa đôi bên còn chưa từng được kí kết, gây khó khăn cho việc làm giấy tờ của ông Irisawa.
Thuê HLV ngoại, điều quan trọng nhất là muốn cải thiện thành tích. Có những thời kỳ, hiệu quả có đến nhưng bứt phá thì chưa. Bóng chuyền nam và nữ chưa bao giờ giành huy chương vàng SEA Games, luôn bị Thái Lan bỏ khoảng cách xa.
Câu hỏi đặt ra là chuyên gia ngoại mà chúng ta thuê chưa đủ tầm? Thực tế nhiều năm qua, bóng chuyền Việt Nam chủ yếu thuê những HLV người Trung Quốc, Cuba, có cả Nhật Bản nhưng với mức lương khá "bèo". Ông Irisawa cao nhất cũng chỉ được nhận 6000 đô la Mỹ, trong khi mặt bằng những HLV chất lượng phải rơi vào khoảng 15.000 đô la Mỹ.
Từ tình hình thực tế, thuê HLV ngoại là cần thiết nhưng nếu không có sự cải thiện ở chất lượng chuyên gia thì e rằng vẫn chỉ "cưỡi ngựa xem hoa". Bóng chuyền Việt Nam có lẽ cần phải xây dựng phát triển lâu dài, chăm bẵm từ tuyến trẻ, hướng đến mục tiêu xa, bài bản.
Nhà báo Nguyễn Lưu - "kho tàng" bóng chuyền Việt Nam có nói với phóng viên Dân Việt: "Bóng chuyền nữ thì tạm ổn ở vị trí HLV bởi Nguyễn Tuấn Kiệt làm được. Năm ngoái, đội nữ đã lấy lại tấm huy chương bạc SEA Games.
Nhưng đội nam thì tôi chưa thực sự hài lòng. Nói đội nam sa sút thê thảm cũng không hẳn. Vấn đề nằm ở HLV kém, năng lực chưa đạt. Lực lượng bóng chuyền nam đủ sức tranh HCV khu vực là chắc chắn. Vấn đề nằm ở sự quản lý. Đội nam cần có sự thay đổi".
Ông Trần Đức Phấn đã hy vọng, sự góp mặt của các chuyên gia nước ngoài trong thời gian tới sẽ cải thiện trình độ bóng chuyền Việt Nam như đội tuyển bóng đá hay bóng rổ Việt Nam đã làm được trong hơn 1 năm qua. Hy vọng ấy là có cơ sở.
Nhưng rõ ràng, muốn "có bột để gột nên hồ" thì vẫn cần đến một hệ thống giải quốc nội giàu tính cạnh tranh cùng đội ngũ cầu thủ giàu chất lượng. Có như vậy, bóng chuyền Việt Nam mới có thể hy vọng ít nhất cũng giành cả 2 tấm HCB nam, nữ tại SEA Games 31.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.