Góc khuất chỉ định thầu nhìn từ vụ việc ở CDC Hà Nội
Góc khuất chỉ định thầu nhìn từ vụ việc ở CDC Hà Nội
Nguyễn Đức - Hồng Nhân
Thứ sáu, ngày 24/04/2020 14:15 PM (GMT+7)
Luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần phải xem xét xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi câu kết, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm Covid-19 tại CDC Hà Nội.
Như Dân Việt đưa tin, mới đây, Cơ quan CSĐT (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 bị can để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội và các đơn vị có liên quan trong việc mua sắm vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Các bị can có thể có bị phạt đến 20 năm tù
Luật sư Đặng Xuân Cường, Công ty TAT Law firm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, cả nước đang chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Do vậy, bất cứ hành vi nào nào gây ảnh hưởng tới hoạt động phòng chống dịch bệnh đều đáng bị lên án và phải kịp thời xử lý nghiêm.
Theo luật sư Cường, tại Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về "Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" thì những người thực hiện hành vi gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Đặc biệt, hành vi phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
"Như vậy, trong vụ việc nêu trên, trước khi khởi tố vụ án phía cơ quan điều tra đã xác minh, làm rõ được thiệt hại mà các đối tượng này gây ra là từ 1 tỷ đồng trở lên. Khi bị khởi tố ở khoản 3 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015, bản thân các bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên tới 20 năm tù.
Đây là khung hình phạt của tội đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu bị kết án người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung đó là cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản", luật sư Cường nói.
Ngoài ra theo luật sư Cường, việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi là tình tiết bị tăng nặng trách nhiệm hình sự. Chính phủ và Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có chỉ đạo, hướng dẫn về việc xử lý những hành vi phạm tội liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, sẽ áp dụng những chế tài nghiêm khắc đối với kẻ đầu cơ, trục lợi hay lợi dụng dịch bệnh để phạm tội. Các bị can sẽ đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể với khung cao nhất của tội danh.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cũng cho rằng, việc các bị can trong vụ án đã có hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.
"Đây là hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi làm ảnh hưởng đến tinh thần chống dịch, gây thất thoát ngân sách đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước", luật sư Lực nhấn mạnh.
Theo vị luật sư, giá trị thiệt hại ban đầu ước tính khoảng gần 5 tỷ đồng và hành động này đã bị khởi tố về tội đanh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 222 Bộ luật hình sự.
Trường hợp phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì mức phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho hay, trong số 7 bị can bị bắt, có 3 cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) là những người được Nhà nước giao trọng trách kiểm soát bệnh tật.
Đáng lẽ, họ phải cùng cả nước chung tay chống dịch đem lại sự sống cho người dân thì họ lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chính sách mua sắm máy móc, thiết bị y tế để nâng khống giá, gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị can có dấu hiệu cố ý, có tổ chức và có sự bàn bạc.
Do đó, ngoài 7 người đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ thêm những cá nhân, tổ chức liên quan nếu có. Trong đó, cần xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong việc buông lỏng quản lý để cho trung tâm này thực hiện những việc như đã nêu trên.
Theo quy định tại Luật đấu thầu năm 2013, người có thẩm quyền là người quyết định phê duyệt dự án hoặc người quyết định mua sắm theo quy định của pháp luật. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Là đơn vị chủ quản của CDC, việc mua sắm vật tư phòng dịch được giao toàn quyền cho Sở Y tế Hà Nội thực hiện. Việc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị, cán bộ tiến hành các hoạt động trên là thực hiện công việc theo thẩm quyền được phân công và phải có trách nhiệm với công vụ nêu trên.
Có thể thấy trong trường hợp này thì người đứng đầu phải là Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chứ không phải là Giám đốc CDC và đương nhiên Sở y tế Hà Nội cần có trách nhiệm trong vấn đề này.
Hơn nữa, Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định hạn mức chỉ định thầu: "Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 22 của Luật đấu thầu bao gồm: Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Ngoài ra, vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), các đối tượng đều là cán bộ có học hàm, học vị, có thâm niên công tác nhiều năm trong nghề do đó không thể nói là không biết quy định.
"Trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực tập trung phòng, chống dịch bệnh, thậm chí nhiều cá nhân, tổ chức đã có các hình thức thiện nguyện hỗ trợ Nhà nước, nhân dân chống dịch thì hành vi trục lợi từ tình hình dịch bệnh của những đối tượng này nếu có là không thể chấp nhận được.
Do đó cơ quan điều tra cần phải nhanh chóng điều tra làm rõ động cơ, mục đích, hành vi của những đối tượng này để sớm hoàn thiện hồ sơ và xử lý các đối tượng thật nghiêm khắc, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật" - luật sư Bình đề nghị.
Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về "Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; b) Thông thầu; c) Gian lận trong đấu thầu; d) Cản trở hoạt động đấu thầu; đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; đ) Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.