Góc nhìn pháp lý vụ 3 nghi phạm chuyên "gài bẫy" cán bộ để tống tiền ở Ninh Bình
Góc nhìn pháp lý vụ 3 nghi phạm chuyên "gài bẫy" cán bộ để tống tiền ở Ninh Bình
Phi Long
Thứ hai, ngày 19/08/2024 20:55 PM (GMT+7)
Một nhóm gồm 3 nghi phạm bị cáo buộc câu kết với nhau tạo tình huống nhằm "gài bẫy" cán bộ các cơ quan, tổ chức ở tỉnh Ninh Bình rồi ghi âm, ghi hình để tống tiền. Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Ngày 18/8, thông tin từ Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Ninh Bình vừa chủ trì, phối hợp với lực lượng của Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Ninh Bình, và Công an H.Yên Khánh (Ninh Bình) điều tra, bắt giữ 3 nghi phạm để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Các nghi phạm bị bắt giữ, gồm: Bùi Anh Tuấn (41 tuổi, ngụ thôn Nhuận Hải, xã Khánh Hải, H.Yên Khánh), Phạm Thị Hoài (35 tuổi, ngụ thôn 1 Nam Cường, xã Khánh Cường, H.Yên Khánh), và Nguyễn Thị Phương (28 tuổi, ngụ thôn Đồi Khê Hạ, xã Yên Đồng, H.Yên Mô, Ninh Bình).
Trước đó, Công an TP.Ninh Bình nhận được tin báo của một số người ngụ ở TP.Ninh Bình về việc bị các nghi phạm trên cưỡng đoạt số tiền 300 triệu đồng.
Bước đâu, Công an TP.Ninh Bình xác định, Bùi Anh Tuấn đã chỉ đạo Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Phương và một số người khác tìm nhiều lý do khác nhau để đến làm việc với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Khi đến làm việc, các nghi phạm dùng lời lẽ "gợi ý", tạo ra các tình huống khiến cho những người có chức năng, nhiệm vụ giải quyết công việc mắc sai phạm.
Toàn bộ hành vi "gợi ý" hoặc những lời lẽ, hành động sai phạm của cán bộ các cơ quan, tổ chức bị các nghi phạm dùng các thiết bị ghi âm, ghi hình lại, sau đó quay trở lại đe dọa, tống tiền.
Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luận Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Cưỡng đoạt tài sản được hiểu là người nào có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt như sau:
Khoản 1. Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Khoản 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
Có tổ chức;
Có tính chất chuyên nghiệp;
Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Tái phạm nguy hiểm.
Khoản 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khoản 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, với tội "cưỡng đoạt tài sản" có thể bị phạt tù cao nhất từ 12 tới 20 năm. Ngoài ra, hình phạt bổ sung, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành hình sự thì hành vi cưỡng đoạt tài sản bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên còn bị buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.