Dưa hấu ở một số tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam lại rơi vào cảnh ế ẩm vì thương lái không thu mua hoặc có mua cũng rất chậm. Ngay lập tức, Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã có thư ngỏ gửi đến Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tìm đối tác để tiêu thụ giúp nông dân Bình Sơn trên dưới 1.000 tấn dưa. Tại Quảng Nam, chiến dịch giải cứu dưa cũng đã được phát động.
Trước đó, năm 2017, huyện Bình Sơn từng phải lập cả đường dây nóng để giải cứu dưa hấu.
Thư kêu gọi hỗ trợ giải cứu dưa hấu của Huyện ủy huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Vấn đề đặt ra ở đây là, đây không phải là lần đầu tiên, chiến dịch giải cứu dưa hấu được phát động, mà đã vài năm trở lại đây, “đến hẹn lại lên”, cứ khoảng cuối tháng tư, đầu tháng năm hàng năm, kiểu gì cũng có một đợt giải cứu dưa hấu. Tại sao điệp khúc lặp lại đến 4 -5 năm liên tục mà nông dân vẫn cứ trồng, hay tâm lý “nhìn người khác thu bộn tiền ai chẳng ham” khiến bà con không thể không xuống giống?
Ngay cả khi cả nghìn tấn dưa hấu đang ế sưng thì nhiều nông dân ở Quảng Ngãi vẫn có tâm lý rằng: “Thua một vụ nhưng chỉ cần lãi 2 – 3 vụ là thoải mái”. Với tâm lý ấy, chắc chắn những cuộc giải cứu sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
Chia sẻ trên trang cá nhân, FBker Hiếu Chí Trần từng cho biết, anh tham gia giải cứu dưa hấu từ năm 2015, năm 2016 tiếp tục kêu gọi mọi người mua hàng trăm kilôgam, năm 2017 lại rộ lên tin “cần giải cứu dưa hấu”. Như vậy, đã 4 năm liên tiếp dưa hấu phải giải cứu và anh Hiếu đã không tham gia bất kỳ một chiến dịch giải cứu nào nữa vì không muốn “lòng tốt bị lợi dụng”, anh cho rằng, việc mua hỗ trợ nông dân dưa hấu hay bất kỳ loại nông sản nào đang ế chỉ là... “lòng tốt nửa chừng”.
“Năm nay bị thì là đen đủi - năm sau tiếp tục bị là cố tình - năm sau nữa lại bị y hệt ... thì nghĩa là quá ỷ lại và đã xác định sẽ bán dưa qua đường "lòng tốt". Nếu người dân không ý thức được, thì có giúp cũng không giúp được gì đâu”, anh Hiếu viết trên trang cá nhân.
Quan điểm này, có thể nhiều người cho là lạnh lùng nhưng không phải không có lý.
Một điểm giải cứu dưa hấu ở Quảng Ngãi. Ảnh: Công Xuân.
Là người từng tham gia “giải cứu” dưa hấu những mùa trước, chị Lê Ngọc Yến (báo Công an nhân dân) cũng đã nhận lại được nhiều bài học khi lòng tốt của mình bị lợi dụng. Chia sẻ trên một diễn đàn, chị Yến cho biết, trong 3 xe dưa hấu chị mua để hỗ trợ bà con, chỉ có chuyến đầu là đảm bảo chất lượng, còn lại phần lớn đều hỏng, thối. Sau này, chị không tham gia thêm đợt giải cứu nông sản nào dù vẫn rất nhiệt tình tham gia các công tác thiện nguyện khác vì không muốn uy tín của mình bị ảnh hưởng với bạn bè, người thân vì đã xác định giải cứu nông sản là phải nhờ vào sự trợ lực của những người mình quen biết.
Đây cũng là điều anh Hiếu Chí Trần nhận được khi theo anh dưa hấu giải cứu “nhạt toẹt”.
Ở Nhật Bản và nhiều nước khác, trước khi xuống giống, nông dân đã biết sản phẩm của mình bán đi đâu, nếu chẳng may thị trường có biến động thì trách nhiệm, gánh nặng chí ít cũng được san sẻ cho phía doanh nghiệp. Còn chúng ta, đã có không biết bao nhiêu cuộc giải cứu nông sản được tổ chức, hết dưa hấu đến chuối, củ cải, khoai tây, sắp tới biết đâu có thêm cam, quýt, vải, chanh dây,… nhưng chỉ cần nhìn sang nhà hàng xóm thu lãi khá là bà con xuống giống mà không cần biết thị trường tiêu thụ ở đâu.
Trên thực tế, nông dân Quảng Ngãi, Quảng Nam đã có một vụ dưa hấu sớm được mùa được giá trước đó không lâu, còn đợt ế ẩm này là của đợt trồng muộn, mà dịp này thường hay trùng với mùa thu hoạch dưa bên Trung Quốc, vốn là thị trường dưa hấu lớn nhất của Việt Nam. Quy luật ấy đã diễn ra 4 – 5 năm nay sao nông dân không chịu hay không muốn rút kinh nghiệm? Hay tâm lý “sẽ có người giải cứu” đã bắt đầu bén rễ?
Chúng ta cứ thương nhau như thế này đến bao giờ?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.