Góc nhìn trực diện về cải cách ruộng đất

Long Nguyên Thứ ba, ngày 09/09/2014 07:32 AM (GMT+7)
Nhằm giúp công chúng tiếp cận với những tài liệu, hiện vật gốc và có cách nhìn thực tiễn, khoa học, khách quan về cuộc vận động cách mạng ruộng đất trong tiến trình lịch sử dân tộc ở nước ta giai đoạn 1946-1957, ngày 8.9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957”.
Bình luận 0

Cuộc cách mạng dân chủ “long trời, lở đất”

Với diện tích trưng bày khoảng 230m2, trưng bày chuyên đề này có gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các cơ quan lưu trữ, Bảo tàng tại Hà Nội và nhiều địa phương khác.

Trưng bày gồm 2 phần chính: Nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất với các nội dung về tình hình ruộng đất trước Cách mạng Tháng Tám, đời sống địa chủ phong kiến và nông dân trước Cách mạng Tháng Tám; cải cách ruộng đất 1946-1957 với các nội dung về chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất, cải cách ruộng đất, sửa chữa sai lầm và một số bài học kinh nghiệm, hoàn thành thắng lợi.

Trao đổi với báo chí về mục đích tổ chức trưng bày, ông Nguyễn Văn Cường- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khẳng định: “Cuộc trưng bày này hướng đến kỷ niệm 60 năm thực hiện cải cách ruộng đất. Đây là cuộc cách mạng dân chủ theo đánh giá đa chiều của các cơ quan trong và ngoài nước là “một cuộc cách mạng long trời, lở đất”, mang lại những giá trị to lớn của một xã hội mới, một chế độ mới.

Bên cạnh đó, trưng bày cũng đề cập đến những vấn đề tồn tại, hạn chế, sai lầm trong cải cách ruộng đất cũng như việc chỉnh đốn tổ chức. Những bài học đó có giá trị mãi mãi với chúng ta trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng nông thôn mới”.

Khi được hỏi liệu số lượng hiện vật không nhiều có thể nêu bật ý nghĩa lịch sử của cải cách ruộng đất 1946-1957 hay không, ông Cường nhấn mạnh: “Tuy chỉ trưng bày dưới 200 hiện vật, nhưng đây là những hiện vật được chọn lọc kỹ lưỡng, nêu bật một phần cơ bản nhất những thành tựu to lớn mà cải cách ruộng đất 1946-1957 mang lại. Đó là cuộc cách mạng to lớn về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất”.

Ông Cường cũng cho biết thêm: “Tuy nhiên, trong giai đoạn cải cách ruộng đất này, có những mất mát mãi mãi không thể bù đắp như một bài học kinh nghiệm đau đớn và cần thiết trong công cuộc xây dựng đất nước ta ngày càng vững mạnh và phát triển hơn”.

Nhớ mãi một thời đã qua

Tại cuộc trưng bày, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều cụ tuổi đã cao vẫn đến tham quan, xem các hiện vật. Mấy thập kỷ đã qua, nhưng khi được sống lại một thời ký ức với những dấu ấn không thể phai mờ, nhiều cụ đã rất xúc động. Cụ Đào Văn Nhượng (84 tuổi, số nhà 15/150 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) bộc bạch: “Tôi rất xúc động khi được thấy lại những hình ảnh của một thời đã xa. Ngày đó, cuộc cải cách ruộng đất đã giúp chúng tôi, những người nông dân chân lấm, tay bùn được làm chủ, được lao động trên chính mảnh đất của mình, giúp chúng tôi một cuộc sống đủ ăn”.

Cũng đến dự cuộc triển lãm, cụ Nguyễn Thị Vân (87 tuổi, số nhà 79 Hàng Lược, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Mới đó mà đã 60 năm rồi. Đến dự cuộc trưng bày này, tôi lại cảm thấy bồi hồi, nhiều ký ức trái chiều lại ùa về”.

Tháng 8.1948, tại Hội nghị cán bộ lần thứ 5, Trung ương Đảng đã đi sâu nghiên cứu, phân tích và đánh giá tình hình các giai cấp ở nông thôn nước ta và chủ trương “muốn xóa bỏ những tàn tích phong kiến, phát triển nông nghiệp, phải cải cách ruộng đất”.

Trong quá trình cải cách ruộng đất, bên cạnh thắng lợi, đã có những sai lầm nảy sinh. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này, cụ Vân cho biết: “Công tác sửa sai được tiến hành trong những điều kiện phức tạp. Một mặt phải khắc phục những sai lầm, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, mặt khác phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống địa chủ và phản động âm mưu xóa bỏ những thành quả của cải cách ruộng đất.

Tuy vậy, do chủ trương đúng đắn của Đảng và được toàn dân ủng hộ nên sau gần 1 năm, tới cuối năm 1957, công tác sửa sai đã đạt kết quả tốt, nông thôn miền Bắc đã dần dần ổn định. Có sai thì sửa sai, điều quan trọng là sau cải cách, giai cấp địa chủ đã hoàn toàn bị xóa bỏ, ruộng đất đã thuộc về tay nông dân”.

Tại cuộc trưng bày, cũng có không ít thanh, thiếu niên đến tìm hiểu và rút ra ý nghĩa tích cực cho bản thân về giai đoạn đầy dấu ấn của lịch sử nước nhà. Bạn Lê Mai Linh (học sinh lớp 10 Trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho biết: “Ban đầu, tôi cũng không hiểu rõ về thời kỳ này, nhưng được các bác, các cụ giải thích, tôi được biết: Dù có những sai lầm, nhưng với tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình, với ý thức trách nhiệm cao trước toàn thể nhân dân, Đảng Lao động Việt Nam đã nhanh chóng sửa sai và có những biện pháp củng cố để đưa nông thôn miền Bắc tiến lên.

   Mùa hè 1956, Đảng bắt đầu phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Trung ương Đảng đã có chỉ thị kết hợp với những bước cuối của đợt cải cách mà tiến hành kiểm tra và sửa chữa những sai lầm đã phạm phải. Ngày 18.8.1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ nói rõ thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Hội nghị lần thứ 10 BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) cũng đã đề ra phương hướng, chủ trương sửa sai 10 điểm về cải cách ruộng đất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem