Ông Phan Công Tương có đội ghe vận chuyển lúa từ vùng sâu về khu vực các nhà máy xay xát quanh khu vực Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ) hiểu rằng khi gia nhập vào hệ thống thu mua gạo cung ứng cho các doanh nghiệp (DN) làm hàng đi Trung Quốc (TQ) chắc chắn sẽ nhìn thấy giá nhóng lên và sẽ có lúc giá hạ xuống đến lạnh lùng. Điều đó làm ông băn khoăn vì sẽ ảnh hưởng uy tín khi ông mua lúa lâu dài ở vùng này.
Tàu Trung Quốc vào sông Hậu mua nông sản. Ảnh: Lê Hoàng Yến
Trong khi ông trù trừ thì một vài thương lái chấp nhận làm tay chân đến các nhà máy mua với tiêu chuẩn chất lượng rất dễ tính, chủ yếu là gạo thơm nhẹ và gạo ngang – phổ biến nhất là giống IR50404.
“Có hôm gạo 5% tấm, thương lái sẵn sàng mua với giá 10.500 đồng/kg dù giá thị trường 9.500 đồng/kg, thậm chí 11.000 đồng/kg khi có lệnh đặt hàng “bao nhiêu cũng mua”. Nhìn cách bán buôn với TQ rất hồi hộp vì không biết họ huỷ hợp đồng lúc nào”, ông Lê Văn Liệt, thương lái ở huyện Thới Lai (Cần Thơ) nói.
Chị Hồ Thanh Hà, thương lái lúa ở huyện Châu Phú (An Giang) có cách phân trần: “Cách đây hai tháng, thương lái TQ sang ký hợp đồng với DN tại địa phương chủ yếu là gạo IR50404, có lúc mua gạo dài pha trộn 15 – 20% tấm. Không biết DN ký hợp đồng với TQ như thế nào, họ chỉ bảo thương lái tụi tôi mua đúng loại lúa đó về xay theo yêu cầu. Bản thân tôi không muốn vì sợ rủi ro cao. Ngặt vì năm nay làm ăn khó quá”.
Một chủ DN kinh doanh lương thực ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp), nói thương lái TQ đến tận kho đặt hàng từ 10.000 – 20.000 tấn theo hợp đồng giao trong vòng 2 – 3 tháng (loại 5% tấm). Họ thuê tàu tại địa phương chở ra phía Bắc rồi sang tàu. Chỉ cần đặt lệnh mua thì lúa tươi giống IR50404 nhảy từ 4.300 – 4.400 đồng/kg, gạo 7.000 đồng/kg; lúa dài thường 4.700 – 4.800 đồng/kg, mỗi loại đều tăng 200 – 400 đồng/kg.
Thương nhân TQ mua gạo jasmine, nhưng phải “đấu trộn” sao cho giá thành ở mức 10.500 đồng/kg. Họ không mua gạo thuần và không mua hàng trực tiếp từ DN xuất khẩu mà chỉ đặt mua gạo qua thương lái hay chủ nhà máy xay xát. Họ cố gắng quy về tương đồng giữa cách làm của DN xuất khẩu chính ngạch sang thị trường châu Phi và xuất khẩu tiểu ngạch sang TQ.
Ông Lê Thanh Thắng, chủ DN xay xát lúa gạo Thắng Lợi ở huyện Thới Lai (Cần Thơ) cho biết hiện nay theo sông Ô Môn đến huyện Thới Lai, các nhà máy mua lúa gạo cấp tập trên bến dưới thuyền, chủ yếu bán qua thương nhân TQ. Lúc bình thường nhà máy Thắng Lợi xay xát 200 tấn/ngày, nhưng hiện thời phải tăng công suất 25 – 50%. Hễ nguồn cung ở Cần Thơ sắp cạn thì thương lái chở lúa từ các địa phương khác tới.
Nhộn nhịp là vậy nhưng nhiều thương lái gạo nhận xét, làm hàng tiểu ngạch sang Trung Quốc, kiểu “tiền trao, cháo múc”, được lần nào hay lần nấy chứ không có gì bảo đảm lâu dài…
(Theo Thế giới tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.