Google nhòm ngó thị trường Internet Triều Tiên?

Thứ hai, ngày 14/01/2013 07:03 AM (GMT+7)
Theo nhật báo Sankei, Chủ tịch Google Eric Schmidt đã có chuyến thăm "mang tính chất cá nhân" đến Triều Tiên từ ngày 7-10.1 trước khi tới Bắc Kinh (Trung Quốc).
Bình luận 0

Chủ tịch Google Eric Schmidt cho biết: "Bây giờ chính là lúc người dân Triều Tiên cần bắt đầu sử dụng Internet. Nếu không họ sẽ bị tụt hậu về kinh tế", đồng thời ông chủ của hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới này thúc giục việc phổ cập Internet tại Triều Tiên.

img
Eric Schmidt (giữa) đã có chuyến thăm "mang tính chất cá nhân" đến Triều Tiên. Ảnh: AP

Chuyến thăm đầy bất ngờ của nhân vật hàng đầu về công nghệ này tới một thị trường Internet còn chưa được khai phá khiến dư luận xuất hiện nhiều đồn đoán về mối quan hệ giữa Chính phủ Triều Tiên và ông Schmidt, cũng như triển vọng về những đổi thay ở đất nước này.

Theo Nhật báo Phố Wall và hãng thông tấn AP, trong chuyến đi lần này, ông Eric Schmidt đã ghé thăm các trường học hàng đầu ở Triều Tiên, nơi được phép sử dụng Internet như "một trường hợp ngoại lệ" - bao gồm Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành và Trung tâm máy tính Triều Tiên - để "mục sở thị" về tình hình sử dụng từ điển bách khoa Wikipedia và mạng tìm kiếm Google của sinh viên Triều Tiên.

Chủ tịch Schmidt đã giải thích rằng đây chỉ là "chuyến thăm mang tính chất cá nhân để trao đổi với Bình Nhưỡng về tự do Internet mà không đại diện cho Chính phủ Mỹ" song chính phát biểu đó của ông lại cho thấy mục đích sâu xa của Google, đó là độc chiếm thị trường Internet còn chưa được khai phá ở quốc gia này.

Theo hãng tin AP, chỉ một bộ phận, khoảng vài nghìn người, trên tổng số 24 triệu người dân Triều Tiên tiếp cận với Internet trong khi Internet ở Bắc Triểu Tiên chỉ được kết nối qua hai con đường, đó là thông qua vệ tinh của Đức và một công ty viễn thông của Thái Lan. Do vậy, AP khẳng định "Triều Tiên là thị trường Internet cuối cùng chưa khai phá trên thế giới còn sót lại".

Đặc biệt, thời gian gần đây, Chính phủ Triều Tiên đã bắt đầu dùng các mạng xã hội thông dụng như Facebook, Twitter và mạng chia sẻ video trực tuyến Youtube làm công cụ để tuyên truyền các chủ trương và đường lối của Bình Nhưỡng. Điều đó khiến cơ hội thâm nhập của Google vào Triều Tiên càng trở nên rõ ràng hơn.

Dĩ nhiên, Chính quyền hiện nay ở Triều Tiên cũng đặt nhiều kỳ vọng vào Google. Nhà lãnh đạo Triều Tiên-Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un, 30 tuổi, coi khoa học kỹ thuật là động lực cơ bản để phát triển kinh tế.

Hồi năm ngoái, một phái đoàn của Triều Tiên đã đến thăm trụ sở của Google ở thành phố Moutain View, bang California, Mỹ. Còn lần này, Bình Nhưỡng lại tiếp đón ông Schmidt một cách trọng thị.

Nhà nghiên cứu Daniel Pinkston thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nhận định: "Sự kiện chào đón phái đoàn thăm Triều Tiên lần này cũng giống với vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa trước đó. Rõ ràng, Bình Nhưỡng muốn gây ấn tượng với người dân rằng ông Kim Jong Un là "nhà lãnh đạo của công nghệ cao". Triều Tiên muốn nhân cơ hội này để tuyên truyền chủ trương và đường lối của nhà nước".

Trong khi đó, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu phân tích quốc phòng của Hàn Quốc, cho rằng: "Với động thái đón tiếp trọng thị vị chủ tịch của một hãng công nghệ cao đến từ xã hội tư bản, ông Kim Jong Un muốn cho cả thế giới nhìn thấy sức ảnh hưởng và quyền lực của mình. Đồng thời, đây cũng là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang bắt đầu mở cửa nền kinh tế".

Theo Vietnamplus
 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem