Góp ý, phản biện chính sách còn yếu

Thứ năm, ngày 28/02/2013 06:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Thiếu thông tin, thiếu các thủ tục minh bạch, thiếu tranh luận thì việc lấy ý kiến của nhân dân về các dự thảo chính sách, chủ trương lớn đều không có hiệu quả. Vai trò của báo chí là đưa tin trung thực, làm cho thủ tục được minh bạch và thúc đẩy tranh luận” - TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh.
Bình luận 0

Thảo luận về các quyết sách: Khâu yếu nhất!

Sáng 27.2, tại Hội thảo “Tác nghiệp báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo chính sách” tổ chức tại Hà Nội, với bài tham luận mang tựa đề khá mở “Dân mong gì ở báo chí trong việc đưa tin bài về các dự thảo chính sách?”, TS Quang A khẳng định: “Tranh luận, thảo luận về các dự thảo và về tác động khả dĩ của các văn bản là khâu không thể thiếu nếu muốn có các luật, chính sách, chủ trương có chất lượng. Đã là thảo luận, tranh luận thì phải có thông tin, phải tôn trọng các ý kiến khác nhau và chỉ được dùng lý lẽ, lập luận để phân tích, ủng hộ hay phản bác”.

Và ông đánh giá luôn: Khâu này có lẽ đang là khâu yếu nhất trong quá trình xây dựng luật, chính sách và các chủ trương lớn.

img
TS Nguyễn Quang A (đứng) phát biểu tại hội nghị.

Lấy trường hợp khá điển hình được dư luận hết sức quan tâm thời gian qua là Dự án bauxite ở Tây Nguyên, TS Nguyễn Quang A chứng minh: Chủ trương làm các dự án về bauxite Tây Nguyên đã có nhiều ý kiến cảnh báo từ các chuyên gia kinh tế, các nhà bảo vệ môi trường... từ năm 2008 về sự phi hiệu quả kinh tế, tác hại tới môi trường và an ninh quốc gia, nhưng cuối cùng vẫn được tiến hành.

Cả tuần nay, báo chí lại rộ lên về việc Dự án bauxite gặp khó khăn, về việc Thủ tướng yêu cầu ngừng xây dựng cảng Kê Gà chuyên sử dụng để chở bauxite, về nguy cơ phải tính toán lại, thậm chí dừng sản xuất bauxite... TS A cho rằng: Đây là một bài học đắt giá! Các cảnh báo trước đó nay đã trở thành sự thật.

Tiếp cận vấn đề với một góc nhìn khác, nhà báo Đào Tuấn (Báo Lao Động) cho rằng, dù luật pháp đã có những quy định khá đầy đủ và chặt chẽ về việc lấy ý kiến của nhân dân trong việc xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật như Điều 4 luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay Nghị định 24/2009, “nhưng trong thực tế, chúng ta khó biết nhân dân nào đã được lấy ý kiến dù họ là những đối tượng bị tác động trực tiếp bởi các chính sách đó”.

Nhà báo Đào Tuấn nêu ví dụ về một số chính sách gặp phản ứng từ dư luận thời gian gần đây là Nghị định 94/2011 về sản xuất và kinh doanh rượu (có hiệu lực từ 1.1.2013) và Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định “Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”, quy định “không được lắp ô kính trên nắp quan tài” của Bộ VHTTDL hay quy định “thịt tươi chỉ được bán trong vòng 8 giờ” của Bộ NNPTNT… để minh chứng rằng những quy định, chính sách này không hề nhận tham khảo, lấy ý kiến rộng rãi của người dân nên đã “chết yểu”.

Hạn chế trong lấy ý kiến

TS Đỗ Thịnh đặt vấn đề: Giao cho báo chí lấy ý kiến nhân dân, vậy cần định vị “nhân dân” là những ai? Theo TS Thịnh, dường như đã và đang tồn tại một mặc định “nhân dân” trước hết phải là tầng lớp “tinh hoa”. Ý kiến của những người có vị trí càng cao càng nặng ký, được báo chí tập trung săn đón… Ông Thịnh cho rằng, “nhân dân” ở đây rất nên được nhấn mạnh trước hết vào dân, bởi nhân dân mới là lực lượng quyết định chính sách. Thêm nữa, bởi nhân dân là số lớn, tập hợp ý kiến của số lớn không dễ nên khoa học thống kê đã cung cấp công cụ lấy “mẫu đại diện”, bảo đảm khách quan và độ tin cậy cho phép, theo đó nên được tôn trọng.

Từ đầu năm 2012 tới nay, trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin - Truyền thông đã đăng tải và xin ý kiến góp ý dự thảo 56 văn bản quy phạm pháp luật thì chỉ có 19 dự thảo văn bản có ý kiến đóng góp với 46 ý kiến, còn lại 37 văn bản không có ý kiến góp ý nào.

Đề cập tới sự hạn chế trong cách thức lấy ý kiến đóng góp hiện nay của các cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Văn Hiếu-Trưởng phòng Pháp luật chính sách, Cục Báo chí (Bộ Thông tin – Truyền thông) cho biết: Việc đăng tải dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì để lấy ý kiến đóng góp từ người dân, tổ chức, cơ quan là quy định bắt buộc. Song hình thức này không hiệu quả.

Ông Hiếu chỉ ra: Từ đầu năm 2012 tới nay, trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin - Truyền thông đã đăng tải và xin ý kiến góp ý dự thảo 56 văn bản quy phạm pháp luật thì chỉ có 19 dự thảo văn bản có ý kiến đóng góp với 46 ý kiến, còn lại 37 văn bản không có ý kiến góp ý nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem