Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều ý kiến tập trung vào giá đất, bồi thường, GPMB
Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều ý kiến tập trung vào giá đất, bồi thường, GPMB
Tuấn Hùng
Thứ bảy, ngày 04/03/2023 15:48 PM (GMT+7)
Liên quan đến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại TP Lai Châu (Lai Châu) đến nay đã nhận được hơn 50 ý kiến của người dân và tổ chức. Nhiều ý kiến tập trung góp ý vào nội dung liên quan đến khung giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Clip: Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều ý kiến trăn trở, góp ý sâu sắc.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Người dân nghiên cứu kỹ, góp ý sâu
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo luật đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP về ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Luật Đất đai sau khi có hiệu lực, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những quyền lợi và đời sống của nhân dân, do đó trước khi đưa ra ý kiến của mình, người dân các địa phương đã tích cực nghiên cứu và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mình.
Theo đó, tỉnh Lai Châu ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn. Tại hội nghị trực tiếp lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Uỷ Ban MTTQ Việt Nam thành phố Lai Châu thực hiện đã ghi nhận nhiều ý kiến tham gia của tổ chức, cá nhân thể hiện tính khách quan, sâu sắc, sát với thực tế tại địa phương.
Chia sẻ với báo Dân Việt điện tử, ông Trần Long, tổ 11, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu bày tỏ: Tôi đặc biệt quan tâm tới điều 153,154 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong đó nổi bật là nội dung định giá đất. Sau nhiều ngày nghiên cứu, so sánh với thực tế tại địa phương, tôi cho rằng việc áp dụng bảng giá đất cần linh hoạt, không nên áp bảng giá chi tiết sẽ không phù hợp với từng địa phương và vùng miền.
Ông Long dẫn chứng, khi người dân bị thu hồi một thửa đất nông nghiệp, sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở… thửa đất đó sẽ thay đổi về giá, nếu bà con muốn sử dụng thửa đất đã chuyển đổi sẽ gặp khó khăn về mức chênh lệch giá; điều này liên quan trực tiếp đến quyền lợi trước và sau của người dân ngay trên một mảnh đất, rất khó để bà con chấp nhận được vấn đề này. Như vậy chính quyền địa phương sẽ gặp khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng.
Có những ý kiến đóng góp rất sát với thực tế giá cả của thị trường bất động sản, tại hội nghị, ông Nguyễn Triệu Vĩ, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lai Châu nói: Sau một thời gian dài nghiên cứu, tôi mong muốn ngày 1/1 hằng năm bảng giá đất sẽ được ban hành, có như vậy mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn cần bám sát hướng dẫn của Chính phủ để đánh giá thực tế thị trường, đưa ra bảng giá đất cho sát với thực tế. Bảng giá đất khi được ban hành sẽ là kết quả cập nhật theo giá thị trường của năm trước liền kề.
Về nội dung hạn chế hay không đối với đối tượng chuyển nhượng đất trồng lúa, ông Vĩ cũng bày tỏ những trăn trở: Phân tích về ý nghĩa có phần phù hợp với mục đích tích tụ, tập trung ruộng đất, dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên về khía cạnh của người nông dân, tôi thấy cần hạn chế đối tượng chuyển nhượng đất trồng lúa, chúng ta phải nhìn nhận rằng đất trồng lúa là đất cần được bảo vệ nghiêm vì liên quan đến an ninh lương thực quốc gia.
"Chúng ta nên ưu tiên những đối tượng, những tổ chức kinh tế có mục tiêu đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào đất trồng lúa, không nên để đối tượng nào cũng được tham gia vào chuyển nhượng đất trồng lúa", ông Vĩ nhấn mạnh.
Hơn 50 ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội nghị trực tiếp lấy ý kiến của nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Lai Châu tổ chức ngày 3/3 là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Lai Châu.
Hội nghị đã ghi nhận 8 ý kiến đại diện cho các tổ chức và cá nhân tham gia trực tiếp tại hội trường, các đại biểu tập trung góp ý cụ thể vào các nội dung như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai. Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất.
Chia sẻ bên lề hội nghị, bà Hà Thị Phú, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Lai Châu, Lai Châu cho biết: Ngoài 8 ý kiến trực tiếp tại hội nghị, đến thời điểm này đã có hơn 50 ý kiến của các tổ chức thành viên, cá nhân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến tập trung góp ý vào nội dung liên quan đến giá đất, khung giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là nội dung đồng sở hữu.
Nhiều ý kiến góp ý của người dân cho rằng nên cấp quyền sử dụng đất cho cá nhân hoặc một tổ chức, không nên thực hiện quyền đồng sở hữu.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, giám sát các đơn vị thành viên, các cấp Uỷ ban MTTQ các xã, phường tiếp tục tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của nhân dân tham gia vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.