GRDP của Quảng Ninh đứng thứ 8 cả nước trong nửa đầu năm

PV Đông Bắc Thứ hai, ngày 08/07/2024 15:12 PM (GMT+7)
6 tháng đầu năm 2024, kinh tế tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì tăng trưởng, GRDP Quảng Ninh ước đạt 9,02%, xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bình luận 0

Ngày 8/7, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp thường lệ giữa năm) để thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày từ ngày 8/7 đến ngày 10/7/2024.

Quảng Ninh tăng trưởng kinh tế đứng thứ 8 cả nước

Báo cáo tóm tắt tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện qua các nhóm kết quả nổi bật, đáng khích lệ.

GRDP Quảng Ninh đứng thứ 8 cả nước 6 tháng đầu năm 2024- Ảnh 1.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: QMG

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 9,02%, vượt cận trên kịch bản tăng trưởng (kịch bản là 9,0%), đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8 cả nước (GDP cả nước 6 tháng tăng 6,42%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm đạt 29.130 tỷ đồng, bằng 54% dự toán Trung ương, bằng 52% dự toán tỉnh, bằng 101% so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã giảm 121/246 hộ nghèo, bằng 49% kế hoạch năm, giảm 828/1.200 hộ cận nghèo, bằng 69% kế hoạch năm, bằng 27% tổng số hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị quyết số 13 của Tỉnh; chỉ đạo chuẩn bị tốt Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ IV năm 2024…

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,55 tỷ USD, đạt xấp xỉ 52% kế hoạch năm, tăng 118% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 cả nước, chiếm 10% tổng thu hút vốn FDI cả nước là 15,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Tổng chi an sinh xã hội ước đạt 1.144 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ.

Năm 2024, ngân sách tỉnh đã bố trí 981,9 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Đến ngày 30/6, giải ngân đạt 358 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,5%. Hoàn thành sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã, trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 10,9%

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo áp lực lên điều hành phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Tuy nhiên, cũng có những cơ hội, thuận lợi, thời cơ đan xen, tạo điều kiện để phấn đấu đạt và vượt kế hoạch năm 2024.

Trên cơ sở kết quả sơ bộ quý II, 6 tháng và dự báo cả năm, UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng điều chỉnh kịch bản tăng trưởng bám sát các chỉ tiêu đề ra tại Kết luận số 1156-KL/TU ngày 26/6/2024 của Tỉnh ủy để hoàn thành các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 10,9%; thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI cả năm đạt ít nhất 3 tỷ USD; tổng khách du lịch đạt từ 17-18 triệu lượt khách...

GRDP Quảng Ninh đứng thứ 8 cả nước 6 tháng đầu năm 2024- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh: QMG

Để hoàn thành những mục tiêu trên, toàn tỉnh cần phải tập trung cao độ cho những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024. Trong đó, xác định 3 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2024 đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách; du lịch, dịch vụ, kinh tế biển và kinh tế số. Xác định yếu tố bảo đảm sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội là giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững ngành than, điện.

Quảng Ninh cũng xác định các động lực cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là các khu công nghiệp, khu kinh tế, còn dư địa tăng trưởng lớn; phát triển kinh tế di sản, kinh tế đô thị, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu; phát huy tối đa hiệu quả từ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy hội nhập, hợp tác, kết nối, liên kết; sự năng động, đổi mới sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả của khu vực công; niềm tin của Nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh các giải pháp: Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của nền kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách, khắc phục hạn chế trong công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư công; tập trung giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng dự án, công trình; đẩy mạnh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sớm hoàn thành dứt điểm các dự án hạ tầng giao thông chiến lược.

Đồng thời với các mục tiêu trên, Quảng Ninh cần gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, công bằng xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem