GS Ngô Bảo Châu nhận “Nobel Toán học”

Thứ sáu, ngày 20/08/2010 07:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đúng như dự đoán của giới chuyên môn, GS Ngô Bảo Châu đã mang lại niềm tự hào cho đất nước Việt Nam khi vinh dự được nhận Giải thưởng Fields - được ví như giải Nobel Toán học.
Bình luận 0
img
Bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Ngô Bảo Châu.

Vương miện mới của tri thức

12 giờ 55 ngày 19-8 (giờ Việt Nam), tại phiên khai mạc Hội nghị Toán học thế giới lần thứ 26 (ICM-26) ở Trung tâm Hội nghị quốc tế Hyderabad, thành phố Hyderabad - bang Andhra Pradesh (Ấn Độ), Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã chính thức trao giải thưởng Fields danh giá cho GS Ngô Bảo Châu - nhà toán học 38 tuổi của VN và ba nhà toán học khác gồm Elon Lindenstrauss (Israel), Stalislav Smiarnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp).

Tờ India Times mô tả: Cả khán phòng đã vang dội tiếng vỗ tay khi GS Ngô Bảo Châu điềm tĩnh bước lên nhận giải thưởng cao quý này. Trong khi đó, nhiều bạn quốc tế tham dự hội nghị đã đến bắt tay chúc mừng đoàn Việt Nam.

Ngay sau khi GS Nguyễn Bảo Châu được trao tặng Huy chương Fields, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lời chúc mừng đến nhà Toán học trẻ tuổi và mong muốn anh sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy nền Toán học và khoa học nước nhà lên tầm cao mới.

GS Ngô Bảo Châu được nhận Giải thưởng Fields là nhờ những thành tựu nghiên cứu Toán học xuất sắc, tiêu biểu là công trình “Chứng minh Bổ đề cơ bản thuộc Chương trình Langlands”. Giải thưởng này do nhà toán học người Canada John Charles Fields sáng lập.

Vào năm 1936, Giải thưởng Fields lần đầu tiên được trao tặng cho nhà toán học người Phần Lan Lars Ahlhos và nhà toán học người Mỹ Jesse Doughlas. Nước Đức không những là một cường quốc về khoa học mà còn về Toán học, nhưng trong toàn bộ hơn 70 năm kể từ khi Fields ra đời, Đức mới chỉ duy nhất một lần nhận giải thưởng này. Trong khi đó, cả châu Á chỉ có 3 giải và đều thuộc về Nhật Bản (vào các năm 1954, 1970 và 1990). Châu Mỹ Latinh và châu Phi đều chưa có giải.

Năm 2002, Trung Quốc từng tuyên bố không tiếc đầu tư tiền của hay công sức để nền Toán học nước này có được một Giải thưởng Fields song hiện Trung Quốc vẫn chưa thể có được một lần.

Đến nay trên thế giới mới chỉ có 48 nhà toán học được nhận giải Fields. Các quốc gia từng nhận giải thưởng này là Mỹ, Pháp, Phần Lan, Na Uy, Anh, Thụy Điển, Italia, Bỉ, Đức, Liên Xô (cũ), Australia, New Zealand, Nga, Nhật Bản và lần này là Việt Nam.

Vượt qua bức rào chắn suốt 30 năm

Các nhà toán học thế giới đã thở phào nhẹ nhõm khi GS Ngô Bảo Châu chứng minh được toàn bộ “Bổ đề cơ bản” thuộc Chương trình Langlands.

Bổ đề cơ bản của Langlands là một bổ đề khó chứng minh đến mức trong suốt 30 năm qua, nhiều nhà toán học hàng đầu, kể cả cá nhân nhà toán học Robert Langlands (người đã đưa ra lý thuyết này), đã ra sức lao vào giải quyết nhưng đều thất bại.

Năm 2003, khi bài Toán đang hết sức khó khăn thì GS Ngô Bảo Châu đã đề xuất cách giải với một nhà toán học danh tiếng của Pháp là GS Gérard Laumon. Thoạt đầu vị giáo sư Pháp không tin nhưng cuối cùng cũng bị thuyết phục bởi những lý lẽ hùng hồn của Ngô Bảo Châu.

Về sau, GS Laumon đã cùng Ngô Bảo Châu triển khai đề tài đó ngay tại Việt Nam trong một dịp GS Laumon đến thăm Viện Toán học tại Hà Nội.

Hai thầy trò đã kết thúc bài chứng minh vào năm 2004 và cùng vinh dự được nhận Giải thưởng Clay với công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản thuộc Chương trình Langlands”.

Tại lễ trao Giải thưởng Fields, GS Ngô Bảo Châu đã nhận giải thưởng gồm Huy chương Vàng và tiền mặt trị giá 14.500USD.

 

Ngoài Giải thưởng Fields, ICM còn trao thêm các Giải thưởng “Nevanlinna” cho lĩnh vực Tin học lý thuyết và “Gauss Prize” cho Toán ứng dụng. Năm nay, người vinh dự nhận Giải Nevanlinna là Daniel Spielman, nhà Toán học người Mỹ tại Đại học Yale. Chủ nhân của Giải Gauss là Yves Meyer - GS Toán học người Pháp.

 

Đặc biệt năm nay sẽ là lần đầu tiên trao giải “Chern” - giải Thành tựu suốt đời - với phần thưởng trị giá 500.000 USD. Nhà Toán học người Mỹ gốc Canada Louis Nirenberg đã vinh dự trở thành chủ nhân đầu tiên của giải Chern.

* Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân:

Thành tích của GS Ngô Bảo Châu sẽ là tấm gương, là động lực lớn cổ vũ, khuyến khích các nhà khoa học trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản phấn đấu học tập, nghiên cứu. GS Ngô Bảo Châu sẽ dành thời gian giúp đỡ đào tạo thế hệ trẻ, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới. Chính phủ, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ thông qua Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia trong công tác nghiên cứu khoa học cơ bản, định hướng ứng dụng.

* GS. TSKH Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT:

Việc Ngô Bảo Châu đoạt giải là hoàn toàn xứng đáng bởi đã chứng minh được Bổ đề cơ bản. GS Châu như một tổng công trình sư bắc được nhịp cầu giữa nhiều bến bờ xa lạ. Lâu nay mọi người vẫn tin là điều đó đúng nhưng chưa thể chứng minh, và GS Châu đã làm được. Việc GS Châu đoạt giải là niềm tự hào của giới khoa học, giới Toán học Việt Nam, dân tộc Việt Nam và chứng minh chủ trương mở các lớp chuyên là hoàn toàn đúng đắn. Và chính Ngô Bảo Châu từng nói, nếu không có trường chuyên lớp chọn thì không thể có kết quả của anh cũng như những người khác.

* GS Nguyễn Văn Mậu:

GS Ngô Bảo Châu có tài năng, học hành bài bản, lại được gửi tới những trung tâm Toán học lớn của thế giới, gặp thầy giỏi. Không phải đơn giản mà hội tụ được các yếu tố này nên việc Châu được vinh danh là tất yếu. Sau sự kiện này, Toán học Việt Nam sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, xây dựng và gia nhập các trường phái Toán học trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem