GS Võ Tòng Xuân: "Cần khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm trong nông nghiệp"
GS Võ Tòng Xuân: Cần khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm trong nông nghiệp
Huỳnh Xây
Thứ ba, ngày 10/05/2022 13:38 PM (GMT+7)
GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về cây lúa cho rằng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực này đã có nhiều đổi thay.
Sau 6 ngày làm việc, dự kiến Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ bế mạc vào chiều nay, 10/5, tại Thủ đô Hà Nội.
Trong những ngày qua, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đưa ra thảo luận, cho ý kiến liên quan đến nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có thảo luận về Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long về định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.
GS Võ Tòng Xuân cho biết, 15 năm qua, Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã phần nào giúp nền nông nghiệp chuyển biến tích cực, người dân khá lên, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng tích cực.
Cụ thể, người dân trồng lúa đã có chuyển biến tốt, dần thay đổi tư sản xuất, sử dụng ít lượng giống gieo sạ, đang thay thế phân vô cơ bằng hữu cơ, hạn chế thuốc hóa học làm môi trường không bị tác động nhiều.
"Người dân đang tiến dần đến việc chỉ sử dụng 1/4 phân hóa học so với trước đây. Việc làm này hạn chế tác động phát thải nhà kính. Thời gian qua đã có nhiều hợp tác xã (HTX) ở ĐBSCL được hình thành, liên kết với doanh nghiệp trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm, ưu tiên đầu ra đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường" - GS Võ Tòng Xuân nói.
Tuy vậy, theo GS Võ Tòng Xuân, hiện nay, người dân phần lớn vẫn còn nghèo do đầu ra cho sản phẩm vẫn còn nhiều bấp bênh. Thực tế, người dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" sản xuất rất nhiều nông sản mà không có lời, rồi "đổ thừa" giá xăng dầu tăng, ảnh hưởng chiến tranh,...
GS Võ Tòng Xuân nói: "Rõ ràng, số đông nông dân vẫn tự ai nấy làm, không tập trung và không làm đúng theo kỹ thuật, cuối cùng khi thu hoạch sản phẩm phải bán cho thương lái. Thương lái đi tiêu thụ không được thì phải giải cứu".
Về hoạt động của các HTX hiện nay, GS Võ Tòng Xuân thông tin, chỉ có số ít HTX có đầu ra, được khá lên chút ít, còn đại bộ phận không hiệu quả. Nhiều nơi, nông dân tham gia chỉ trên danh nghĩa, không có hưởng lợi vì những nơi này hoạt động không làm theo quy trình và không gắn với quyền lợi đôi bên.
Về sản xuất lúa, thời gian qua, nhà nước đầu tư nhiều từ việc làm cống ngăn mặn, làm thủy lợi cho có nước ngọt phục vụ cây lúa mặc dù nước ta đã có sản lượng lúa rất lớn, không những phục vụ trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Bám với cây lúa, nông dân không có lời nhưng muốn chuyển sang trồng cây ăn trái hoặc nuôi thủy sản thì phải tự bỏ tiền ra đầu tư hạ tầng và nhiều vấn đề liên quan, vốn nhà nước không ưu tiên hỗ trợ. Đây là trở ngại lớn nhất theo GS Võ Tòng Xuân.
Về phía các doanh nghiệp, GS Võ Tòng Xuân cho hay, doanh nghiệp liên kết với HTX tiêu thụ sản phẩm chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Đa số các doanh nghiệp chỉ mua nguyên liệu thông qua thương lái là chính. Đây là cách làm tạm thời, không bền vững, sản phẩm nông dân, HTX làm ra không được bán với giá chuẩn, còn doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu ổn định, không truy xuất được nguồn gốc, rất khó để cạnh tranh và tiêu thụ.
GS Võ Tòng Xuân khẳng định: "Nghị quyết 26 ra đời với nhiều kỳ vọng nhưng thời gian qua nhiều nơi vẫn mạnh ai nấy tự làm, tức nông dân tự làm, doanh nghiệp tự làm và nhà nước tự làm, không có sự liên kết chặt chẽ, không thể tiến bộ được".
Để nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung khá lên, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, không thể làm như trước đây được. Cụ thể là phải theo tập thể, nông dân phải vào HTX, HTX liên kết với doanh nghiệp, làm vai trò cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp, có như vậy, doanh nghiệp mới có nguyên liệu tốt để truy xuất nguồn gốc.
Để mối liên kết trên có hiệu quả cao, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, nhà nước phải có quy hoạch, định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp theo từng nơi, từng vùng sinh thái hợp lý, quy định nơi này trồng cây gì, không được trồng cây nào và tìm kiếm doanh nghiệp có đầu ra sản phẩm tốt vào đầu tư.
"Nếu ngành chức năng xác định vùng này trồng sầu riêng tốt thì định hướng trồng chuyên canh sầu riêng, đầu tư cấu trúc hạ tầng cho nông dân trồng cây này, không cho sản xuất cây khác và tìm kiếm doanh nghiệp kinh doanh về sầu riêng hợp tác sản xuất, tiêu thụ cho cả vùng. Về phía nông dân thì vận động tham gia một số HTX. Về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng đã có các nhà khoa học, Sở NNPTNT hoặc cán bộ kỹ thuật phòng nông nghiệp địa phương hỗ trợ" - GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Chỉ quy hoạch vùng trồng là chưa đủ, theo GS Võ Tòng Xuân, cần phải có thêm cơ sở sơ chế, chế biến trong vùng trồng theo hướng khép kín. Vấn đề này ngành chức năng địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp triển khai thực hiện. Song song đó là xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng trồng, gắn với việc truy xuất nguồn gốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.