GS.Cù Trọng Xoay “hỏi xoáy đáp xoay” về chủ đề mạng xã hội

Long Nguyên Thứ năm, ngày 16/10/2014 15:34 PM (GMT+7)
Nhằm tạo một diễn đàn cởi mở, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, bài học khi khác thác mạng xã hội, GS.Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng sẽ đăng đàn tại buổi tọa đàm “Sinh viên với mạng xã hội”, được tổ chức lúc 13 giờ ngày 18.10, tại KTX Mễ Trì (Hà Nội).
Bình luận 0
Từ góc nhìn của một người chuyên “hỏi xoáy đáp xoay”, GS.Cù Trọng Xoay sẽ đưa ra những góc nhìn đa dạng về mặt lợi, mặt hại của mạng xã hội và chia sẻ những lời khuyên hữu ích về cách sử dụng hiệu quả mạng xã hội. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa thiết thực do Hội sinh viên Thành phố Hà Nội tổ chức, trong chuỗi hoạt động của “Ngày hội Tân sinh viên 2014 - Vững bước tương lai”.

img
GS. Cù Trọng Xoay đã sẵn sàng giao lưu cùng các bạn sinh viên tại KTX Mễ Trì (Hà Nội).

Tất cả các thành tựu công nghệ sinh ra đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích con người. Tuy nhiên, nếu không biết sử dụng một cách khoa học, hợp lý thì nó lại trở thành “con dao hai lưỡi”. Sinh viên, học sinh là đối tượng dễ tiếp cận những sản phẩm công nghệ nhưng cũng cần tỉnh táo và nhạy bén để làm chủ những thàng tựu ấy.

“Hiện đang tồn tại hàng trăm trang mạng xã hội khác nhau như MySpace, Facebook, Twitter, Zingme, Google Plus… Không thể phủ nhận những tiện ích do các mạng xã hội mang lại như giúp cộng đồng có chung một diễn đàn để chia sẻ và tạo ra nhiều mối quan hệ. Rất nhiều bạn trẻ ngày nay sử dụng mạng xã hội không chỉ để giải trí, giao tiếp mà còn biết cách tận dụng các tính năng chat, hình ảnh, chia sẻ video trên các mạng xã hội để biến nó thành nơi để bán hàng, tìm lại những món đồ đã mất, tìm người thân, hay chia sẻ cho xã hội biết thêm nhiều hoàn cảnh để có thêm sự giúp đỡ...  Nhiều sinh viên cũng đã tận dụng mạng xã hội trong việc trao đổi kinh nghiệm, kĩ năng học tập hay gắn kết thêm những mối quan hệ mới. Đó là những lợi ích không ngờ mà mạng xã hội tưởng như vô ích mang lại”, GS.Cù Trọng Xoay-Đinh Tiến Dũng cho hay.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng mang lại nhiều tác hại, mặt trái của công nghệ đó chính là khiến con người giảm tương tác với mọi người. Những người nghiện mạng xã hội sẽ dễ bị mất mục tiêu trong tương lai, thường xuyên cảm thấy bị trầm cảm, sức khỏe giảm sút và xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực hơn so với những người khác.

Vì thế, nếu lạm dụng mạng xã hội, sinh viên dần dần có thể bị giảm kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt với những người bạn thực, cuộc sống thực. Nguy hiểm hơn, các nhóm đối tượng xấu cũng luôn lợi dụng mạng xã hội để phán tán virus hay lừa đảo, dụ dỗ sinh viên vào các mục đích xấu.

Đã có không ít ý kiến phản ứng dữ dội và yêu cầu “đóng cửa” mạng xã hội, nơi lan truyền những nội dung thiếu trong sáng, những văn hóa phẩm không lành mạnh, những nguồn tin không đáng tin cậy. Không ít trang facebook lợi dụng nỗi đau của người khác, giở trò câu like rẻ tiền. Nếu không có tri thức và bản lĩnh vững vàng, người dùng mạng xã hội, phổ biến nhất là giới trẻ sẽ rất dễ vô tình trở thành công cụ cho kẻ trục lợi đạt được mục đích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem