GS.TS Nguyễn Thị Lan: Cần thiết thành lập Quỹ phòng chống thiên tai

Anh Thơ Thứ bảy, ngày 23/11/2019 11:05 AM (GMT+7)
Góp ý về dự thảo Luật phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi, GS.TS.Nguyễn Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần thiết phải thành lập Quỹ phòng chống thiên tai trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.
Bình luận 0

Theo bà Lan, việc ban hành luật là vô cùng cần thiết bởi Việt Nam được đánh giá là một trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài trên 3.200km. Theo dự báo, chỉ tính riêng thảm họa thiên tai do nước biển dâng 1m thì 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến gần 30 triệu dân.

Luật phòng chống thiên tai, Luật đê điều và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều. Tuy nhiên, theo bà Lan, trước yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai và thực tiễn vận hành luật đã phát sinh một số quy định của Luật không còn phù hợp.

img

Đại biểu Nguyễn Thị Lan góp ý về dự thảo Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Vì vậy, bà Lan đồng tình với việc bổ sung một điều về khoa học công nghệ để tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, đẩy mạnh công tác khoa học công nghệ chuyên ngành, đóng góp nâng cao năng lực công tác phòng chống thiên tai.

"Nên bổ sung thêm quy định về thu hút nhân tài, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phòng chống thiên tai. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ phản ánh trong trình độ kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để nâng hiệu quả kinh tế là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn của công tác phòng chống thiên tai" - bà Lan nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, bà Lan cho rằng, dự thảo Luật phòng chống thiên tai đã xác định lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, đặc biệt là trong công tác ứng phó khẩn cấp, khắc phục hậu quả sau thiên tai cần bổ sung, xác định lực lượng xung kích phòng chống thiên tai với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác ở địa phương. Tuy nhiên, trong số các lực lượng này, cần phải có lực lượng chủ trì để xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng tham gia.

 Về nguồn tài chính và ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai, theo bà Lan, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, Quỹ phòng chống thiên tai còn hạn hẹp thì việc huy động các nguồn khác phục vụ công tác phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết. 

"Tôi đề nghị bổ sung quy định  “Thủ tướng Chính phủ quyết định chi tiết về cơ chế, quy trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai”. Nội dung này là hết sức cần thiết vì trong thời gian qua việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có trường hợp còn chậm, chưa sát với thực tế, có địa phương thiệt hại ít nhưng báo cáo nhiều hoặc là có địa phương bị thiệt hại nhiều nhưng Chính phủ hỗ trợ ít" - bà Lan nêu một thực tế.

Bà Lan cũng đồng tình việc thành lập Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương là cần thiết và đề nghị Chính phủ khẩn trương sửa đổi Nghị định 94 nhằm khắc phục những bất cập, không chủ động, kịp thời trong việc sử dụng, điều hòa quỹ.

Đối với Luật Đê điều sửa đổi, bà Lan đồng tình với việc bổ sung hoạt động nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều cần phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ NNPTNT để đảm bảo an toàn đối với các tuyến đê cấp I, cấp II, cấp III, cấp đặc biệt.

Theo bà Lan, Luật Đê điều (khoản 3 Điều 25) quy định hoạt động này phải được UBND cấp tỉnh cấp phép. Thực tế, việc cấp phép cho hoạt động này còn nhiều bất cập; một số dự án cấp phép trong phạm vi bảo vệ đê điều gây sạt, trượt, hư hỏng công trình đê điều, đe dọa đến sự an toàn tuyến đê.

Để đảm bảo thống nhất, khắc phục được những bất cập trong thời gian qua, tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, bà Lan đề nghị bổ sung nội dung: Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép quy định tại Điều 25 Luật Đê điều.

     

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem