GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị nói về mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Sơn La
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị: “Đưa cây ăn quả lên sườn dốc” là cách làm đột phá của Sơn La
Tuệ Linh
Thứ ba, ngày 20/09/2022 10:10 AM (GMT+7)
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương nhấn mạnh "Đưa cây ăn quả lên sườn dốc" là cách làm đột phá, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của Sơn La.
Sáng nay (20/9), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới".
"Đưa cây ăn quả lên sườn dốc" là cách làm đột phá của Sơn La
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo khoa học "Phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La trong bối cảnh mới", GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung Ương đã ghi nhận và đánh giá cao việc Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Sơn La đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của Sơn La.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, tỉnh Sơn La đã đổi mới tư duy và có những cách làm sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và điều kiện đặc thù của địa phương trong phát triển nông nghiệp.
"Cùng với sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, Sơn La đã chủ động, tích cực triển khai những chủ trương, chính sách thiết thực, khơi dậy tiềm năng, giải phóng nguồn lực và tạo ra động lực phát triển mới cho nền nông nghiệp tỉnh.
Nổi bật là tỉnh đã đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sử dụng công nghệ mới, giống mới có năng suất, chất lượng cao; phát triển các loại cây công nghiệp với quy mô diện tích lớn ở những vùng có điều kiện; xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu; cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...", GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản; thực hiện chuyên môn hóa mạnh mẽ; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu; thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa lớn.
"Việc "Đưa cây ăn quả lên sườn dốc" thật sự là cách làm đột phá đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của Sơn La, giúp cơ cấu lại cây trồng, mở rộng quy mô trồng trọt, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống", GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Trong 13 năm, thu nhập bình quân đầu người của Sơn La tăng lên 32,2 triệu đồng
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết thêm: Với sự cố gắng bền bỉ, nỗ lực to lớn, không ngừng tìm kiếm những hướng đi mới, trong một thời gian không dài, nền nông nghiệp Sơn La đã phát triển khá toàn diện, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, giảm nghèo nhanh, đời sống thực tế của người dân được nâng cao rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ một tỉnh thuộc nhóm nghèo của cả nước, năm 2008, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 13 triệu đồng/năm, nhưng đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Sơn La đã đạt trên 45,2 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống đáng kể, tuy vẫn còn cao so với mức bình quân của cả nước.
Đặc biệt, trong năm 2021, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, mặc dù GRDP của tỉnh chỉ tăng 2,2%, tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm khoảng 24% GRDP của tỉnh) lại là điểm sáng nổi bật, đạt mức 7,19%. Trên đà này, 9 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 8,3%, là mức cao của các tỉnh vùng Tây Bắc.
Những thành tựu nổi bật đó đã khẳng định, ưu tiên phát triển nông nghiệp là lựa chọn đúng đắn, hướng đi chiến lược, mang tính đặc thù của Sơn La trong lộ trình phấn đấu trở thành điểm sáng tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Tỉnh Sơn La hiện có 113.000 ha cây lâu năm, trong đó có 84.000 ha cây ăn quả; sản lượng quả năm 2022 đạt 436.956 tấn; đã tiêu thụ 291.072 tấn, giá trị đạt 3.572 tỷ đồng, trong đó: xuất khẩu 9.071 tấn, giá trị 347,7 tỷ đồng (một số loại quả cho giá trị cao như: quả Nhãn giá trị 1.510,3 tỷ đồng; quả Mận giá trị 1.031,8 tỷ đồng; quả Xoài giá trị 444,5 tỷ đồng); hiện tỉnh đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nhân dân tiêu thụ 145.884,2 tấn các loại quả còn lại.
Đến nay, tỉnh Sơn La có 240 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 241 mã số vùng trồng với diện tích 3.865,45 ha cây ăn quả và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm nông sản đã được đưa lên 35 sàn thương mại điện tử, đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 83 sản phẩm OCOP...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.